Phía sau những “sản phẩm thời trang của niềm vui” mang thương hiệu Tò He

An Bình |

Những hình in trên sản phẩm thời trang của Tò He được chắp bút bởi những trẻ em khuyết tật, tự kỷ và mồ côi. Một phần doanh thu từ việc bán sản phẩm thời trang được dùng để mở thêm các sân chơi sáng tạo nghệ thuật, tặng thêm những phút giây vui vẻ cho những mảnh đời bất hạnh.

Những sản phẩm của niềm vui

 Phía sau những “sản phẩm thời trang của niềm vui” mang thương hiệu Tò He  - Ảnh 1.

"Mình không muốn đưa ra câu chuyện rằng, đây là sản phẩm của các em khuyết tật. Mình muốn sản phẩm Tò He được đón nhận một cách rất sòng phẳng ở thị trường giống như tất cả các sản phẩm khác" – Nguyễn Đình Nguyên, đồng sáng lập Tò He.

Nhiều màu sắc, nét vẽ khó có có thể xếp vào trường phái nghệ thuật nào,… nhưng kết hợp với nhau trên chất liệu cotton lại cho thấy sự hợp lý bất ngờ. Những hình vẽ trên các sản phẩm Tò He có một phong cách lạ, được chắp bút bởi những trẻ em khuyết tật, tự kỷ và mồ côi.

Từ năm 2006, ý tưởng đầu tiên về Tò He đã xuất hiện sau nhiều lần gia đình Nguyễn Đình Nguyên và Phạm Thị Ngân tới dạy vẽ ở các cơ sở xã hội. Năm 2009, doanh nghiệp xã hội này bắt đầu hoạt động dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam (British Council) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng cồng (CSIP).

Thông qua các sân chơi sáng tạo nghệ thuật miễn phí được tổ chức hàng tuần, Tò He "giữ gìn" và khuyến khích sự hồn nhiên trong các em nhỏ, đặc biệt là các em nhỏ thiệt thòi. Theo người đồng sáng lập, có nhiều suy nghĩ đã thay đổi khi tổ chức sân chơi cho trẻ em.

Các bé khuyết tật, mồ côi sống trong điều kiện khó khăn về vật chất đã cười rất sảng khoái. Tiếng cười lớn của trẻ nhỏ đã khiến những người tham gia tổ chức nhận ra rằng, không phải mình đang mang tới niềm vui cho trẻ nhỏ mà chính các em mới đang giúp đem niềm vui cuộc sống trở lại.

Mô hình hoạt động của doanh nghiệp Tò He

Để duy trì niềm vui cho các em nhỏ, Tò He không thể chỉ dựa vào các dự án tài trợ. Mong muốn của các nhà sáng lập là triển khai một mô hình có thể tạo ra doanh thu và số tiền này đủ để phục vụ cho các hoạt động cộng đồng.

 Phía sau những “sản phẩm thời trang của niềm vui” mang thương hiệu Tò He  - Ảnh 2.

Mô hình kinh doanh của Tò He

Sau các buổi vẽ, tranh được phân loại, chọn lọc theo chủ đề, chất liệu và phong cách riêng. Tò He sẽ quét lại các bức tranh, số hoá, thiết kế lại và in trên các sản phẩm thời trang như: túi, ví, phụ kiện du lịch, phụ kiện công nghệ, đồ trang trí gia đình, đồ chơi,…

Một phần lợi nhuận thu được được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và trao học bổng cho các em nhỏ có năng khiếu.

Theo các nhà sáng lập, mô hình hoạt động này tương tự như cách làm đồ chơi tò he: Đồ chơi làm từ bột gạo và màu tự nhiên, sau khi chơi còn có thể ăn được. Điều đó rất gần với ý nghĩa của dự án Tò He: Tạo cơ hội cho trẻ em vui chơi và giúp các em được hưởng lợi từ các hoạt động vui chơi.

Trong hơn chục năm hoạt động, doanh nghiệp xã hội Tò He đã tạo được hơn 150 sân chơi nghệ thuật miễn phí cho hàng nghìn trẻ em thiệt thòi khuyết tật. Những sân chơi như thế được thiết lập tại hàng chục trung tâm bảo trợ xã hội, trường tiểu học ở thành phố lớn và những địa phương vùng sâu, vùng xa.

Năm 2016, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) đã bình chọn Phạm Thị Ngân, một trong ba người sáng lập Tò He, là Lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leader).

WEF coi thành công cá nhân của Ngân với Tò He là thành tựu có ý nghĩa toàn cầu. Những người được chọn được hướng dẫn để trở thành thành viên tích cực trong diễn đàn và cộng đồng nhằm nhân rộng nhiều việc làm tốt đẹp hơn trên quy mô toàn thế giới.

Hiện tại, 25% lợi nhuận của Tò He đang được dùng để đầu tư mở thêm các sân chơi sáng tạo nghệ thuật, tặng thêm nhiều phút giây vui vẻ cho những mảnh đời bất hạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại