Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng?

Thanh Long |

Câu hỏi chỉ còn là "Khi nào?".

Trong vai trò một nhà cổ sinh vật học, biên tập viên cao cấp của tạp chí Nature, tiến sĩ Henry Ernest Gee là một người có tầm nhìn xa vào quá khứ. Nó đã giúp ông tìm ra một quy luật trong sự phát triển và tuyệt chủng, của tất cả những loài động vật có vú từng tồn tại trên hành tinh.

Giữa thế kỷ 20 và 21, khi hầu hết chúng ta vẫn còn lo lắng con người đang tăng trưởng quá mức, tiến sĩ Gee đã cảnh báo loài người thực ra đang trên đà đi tới tuyệt chủng. Đó là vì phía sau một sườn dốc tăng trưởng luôn là giai đoạn thoái trào và đi xuống.

Trong những thập kỷ gần đây, đã có những dấu hiệu cảnh báo con người đang sử dụng quá nhiều tài nguyên trên Trái Đất, chúng ta đang giảm tỷ lệ sinh và chất lượng tinh trùng của loài người cũng đang giảm xuống.

Theo tiến sĩ Henry Ernest Gee, loài người sẽ phải trả một "món nợ tuyệt chủng". Đó là thứ mà bất cứ loài sinh vật nào trên Trái Đất cũng phải trả. Chưa từng có một ngoại lệ nào, trong đó có một loài sinh vật sẽ thoát được món nợ đó.

Câu hỏi bây giờ chỉ còn là "Khi nào?". Khi nào thì loài người sẽ tuột khỏi đỉnh cao của sự phát triển và trượt xuống vực thẳm? Dưới đây là bài viết của tiến sĩ Henry Ernest Gee trên tờ Scientific American cho quan điểm đó của ông, và cũng là một phần trong cuốn sách "Lược sử (rất) ngắn về sự sống trên Trái Đất".

Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 1.

Nhà cổ sinh vật học Henry Ernest Gee, biên tập viên cao cấp của tạp chí khoa học Nature.

Năm 1965, khi Tom Lehrer thu âm album "That Was the Year That Was", ông ấy đã mở đầu nó với một bài hát có tên "So Long, Mom". Bài hát có một cái tên khác là "Bài hát cho Thế chiến III" và Lehrer đã nói rằng "Nếu có bất kỳ bài hát nào ra đời vì Thế chiến III, tốt hơn hết chúng ta nên bắt đầu viết nó ngay từ bây giờ".

Trong thập niên 1960, cả nhân loại đã chìm đắm trong một nỗi sợ hãi, đó là sự hủy diệt của chiến tranh hạt nhân. Tốc độ tăng trưởng quá nhanh cũng thúc đẩy một lý thuyết khác được gọi là Quả bom dân số, khi Trái Đất không còn đủ tài nguyên để nuôi sống toàn bộ loài người được nữa.

Nhưng thấm thoát đã nửa thế kỷ trôi qua, mối đe dọa hủy diệt hạt nhân đã không còn nữa. Về vấn đề dân số, thế giới ngày nay vẫn có đủ chỗ cho 8 tỷ người. Con số ấy đã gấp đôi so với năm 1968, và chúng ta về cơ bản vẫn có thể sống trong sự thoải mái và sung túc (khi nói đến toàn bộ con người là một giống loài).

Mặc dù dân số vẫn đang tăng, nhưng tốc độ gia tăng đã giảm một nửa kể từ năm 1968. Các nhà khoa học dự đoán đà tăng dân số sẽ chững lại cho tới giữa thế kỷ này. Và sau năm 2100, quy mô dân số toàn cầu có thể sẽ thu hẹp lại đến mức Trái Đất sẽ có ít người hơn so với thời điểm mà bạn và tôi đang sống.

Ở hầu hết các quốc gia - kể cả những quốc gia nghèo - tỷ lệ sinh hiện đã thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử. Ở một số nước, quy mô dân số của họ có thể sẽ sớm giảm xuống chỉ còn một nửa so với hiện tại. Chúng ta bây giờ lại bắt đầu phải lo lắng về tình trạng thiếu hụt dân số.

Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 3.
Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 4.

Thế giới đang có quá nhiều người, nhưng những dự đoán cho rằng điều đó sẽ không còn được duy trì quá lâu,

Là một nhà cổ sinh vật học, tôi là một người có tầm nhìn xa vào quá khứ. Ở đó, tôi đã thấy các loài động vật có vú thường sẽ đến và đi khá nhanh. Tất cả đều xuất hiện, phát triển mạnh và tuyệt chủng trong khoảng một triệu năm hoặc lâu hơn một chút.

Hồ sơ hóa thạch chỉ ra rằng loài người Homo sapiens chúng ta đã tồn tại khoảng 315.000 năm hoặc có thể lâu hơn. Nhưng trong phần lớn thời gian đó, Homo Sapiens được coi là rất hiếm - trên thực tế, hiếm đến mức gần như tuyệt chủng, và có lẽ đã tuyệt chủng nhiều hơn một lần.

Do đó, nhân loại dường như cũng đang mang trong mình mầm mống của sự diệt vong: Dân số hiện tại của chúng ta đã tăng lên, rất nhanh chóng, từ một quần thể nhỏ hơn nhiều. Kết quả là với tư cách là một loài, Homo sapiens đang đi đúng theo con đường của những loài đã tuyệt chủng khác.

Một trong số những dấu hiệu cảnh báo điều đó là sự thiếu đa dạng gen. Toàn bộ quần thể loài người có số lượng biến thể di truyền còn thấp hơn những nhóm tinh tinh hoang dã. Mà thiếu biến thể di truyền không bao giờ là dấu hiệu tốt cho sự tồn tại của các loài.

Hơn nữa, trong vài thập kỷ qua, các nghiên cứu chỉ ra chất lượng tinh trùng của con người đã bị suy giảm hàng loạt. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ sinh thấp hơn, vì những lý do không ai thực sự chắc chắn. Ô nhiễm - một sản phẩm phụ của quá trình suy thoái môi trường của con người - là một trong những yếu tố có thể góp phần vào điều đó.

Một nguyên nhân khác có thể là do căng thẳng, theo như tôi thấy, nguồn gốc của căng thẳng có thể là vì chúng ta đang sống gần gũi với những người khác trong một thời gian dài.

Trở lại suốt quá trình tiến hóa của loài người, đa số thời gian tổ tiên chúng ta đã sống trên mặt đất theo hình thức phân tán. Thói quen sống tập trung lại ở các thành phố, thực tế là chồng lên nhau theo nghĩa đen trong một khu chung cư chỉ mới xuất hiện rất gần đây.

Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 6.
Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 7.

Ô nhiễm môi trường và căng thẳng đang ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người.

Một nguyên nhân khác khiến tốc độ tăng dân số giảm dần là do kinh tế. Các chính trị gia luôn nỗ lực để tăng trưởng kinh tế không ngừng, nhưng điều này không bền vững trong một thế giới mà tài nguyên là hữu hạn.

Homo sapiens đã khai thác từ 25% đến 40% những chất hữu cơ mà thực vật tạo ra từ không khí, nước và ánh nắng Mặt Trời. Tốc độ khai thác này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến triển vọng của nền kinh tế.

Con người ngày nay phải làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn để duy trì mức sống mà cha mẹ họ đã từng được hưởng. Nhiều khi, những tiêu chuẩn đó thậm chí còn không thể đạt được.

Thật vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy năng suất kinh tế đã bị đình trệ hoặc thậm chí giảm sút trên toàn cầu trong 20 năm qua. Nó có thể là một phần dẫn đến dấu hiệu tiếp theo: Mọi người đang trì hoãn việc sinh con. Nhiều khi việc trì hoãn này là quá lâu đến mức khả năng sinh sản của họ bắt đầu suy giảm.

Một yếu tố nữa dẫn đến tốc độ gia tăng dân số giảm dần là sự giải phóng phụ nữ khỏi các rào cản kinh tế, sinh sản và chính trị. Điều được coi là đáng hoan nghênh này chỉ mới bắt đầu cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng nó đã giúp tăng gấp đôi lực lượng lao động và cải thiện trình độ học vấn, tuổi thọ và tiềm năng kinh tế của loài người nói chung.

Với việc cải thiện các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sau sinh, phụ nữ không cần phải sinh nhiều con để đảm bảo rằng ít nhất một trong số những đứa con của họ sẽ sống sót qua những nguy hiểm của thời kỳ sơ sinh.

Nhưng sinh ít con hơn cộng với sinh con muộn hơn sẽ cùng dẫn tới hệ quả là thu hẹp quy mô dân số.

Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 9.
Phía sau nền văn minh thịnh vượng, con người thực ra sắp tuyệt chủng? - Ảnh 10.

Tất cả những dấu hiệu kể trên là những mối đe dọa ngấm ngầm đưa chúng ta đến với một thứ được gọi là "món nợ tuyệt chủng". Sẽ có một lúc nào đó trong quá trình phát triển của bất kỳ một loài nào, kể cả những loài có vẻ như đang trong thời kỳ thịnh vượng và phát triển mạnh, chúng sẽ phải đối mặt với một cột mốc tuyệt chủng. Đó là một món nợ không thể tránh khỏi, bất kể loài đó có thể làm gì để ngăn chặn nó.

Nguyên nhân của sự tuyệt chủng thường là một phản ứng chậm trễ không bắt kịp được với tốc độ đánh mất môi trường sống. Đối chiếu với loài người chúng ta, khi môi trường sống trở nên suy thoái đến mức có ít tài nguyên hơn mức cần để sử dụng, khi khả năng sinh sản bắt đầu giảm, khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới tỷ lệ tử, và khi nguồn gen bị hạn chế - cách duy nhất là giảm dân số xuống.

Câu hỏi lúc này là "Liệu chúng ta sẽ đi xuống nhanh đến mức nào?". Tôi nghi ngờ rằng dân số loài người không chỉ đang co hẹp lại mà chúng ta thực sự đang chạy xuống một bờ vực tuyệt chủng — và ngày đó sẽ sớm đến. Nói như Lehrer từng nói, nếu chúng ta định viết về sự tuyệt chủng của loài người, tốt hơn hết chúng ta nên bắt đầu viết ngay từ bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại