Khi số lượng không đi kèm chất lượng
Hiện tại, Công Phượng vẫn đang nắm kỷ lục là cầu thủ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử có 4 lần khoác áo các đội bóng ở nước ngoài. Trước khi ký hợp đồng 3 năm cùng Yokohama (J.League 1 của Nhật Bản) thì Công Phượng từng "xuất ngoại" đến Mito HollyHock (J.League 2, Nhật Bản), Incheon United (K.League của Hàn Quốc) và Sint Truiden ở giải VĐQG Bỉ.
Tuy nhiên, với Công Phượng thì số lượng những lần xuất ngoại lại không đi kèm với chất lượng. Cả ba lần trong quá khứ, Công Phượng đều không đạt được thành công như mong đợi của người hâm mộ. Dấu ấn mà tiền đạo xứ Nghệ để lại ở các đội bóng nước ngoài là hết sức mờ nhạt. Tính ra, Công Phượng chưa ghi được bất kỳ một bàn thắng nào ở các trận chính thức khi khoác áo Mito HollyHock, Incheon lẫn Sint Truiden.
Cách đây không lâu khi mới sang Yokohama – đội bóng vừa được thăng lên hạng J.League 1, Công Phượng đã nhận được sự kỳ vọng từ một số ít phương tiện truyền thông Nhật Bản. Tờ HamaBlue đánh giá rằng Công Phượng có khả năng chuyền bóng, kiểm soát và hỗ trợ tấn công, đồng thời kỳ vọng "Messi Việt Nam" sẽ hòa nhập vào lối chơi của đội bóng mới.
Thế nhưng sau đó, Công Phượng đã bị "dội gáo nước lạnh" với việc không được HLV Yokohama điền tên vào sanh sách đăng ký ở vòng mở màn J.League 2023 gặp CLB Nagoya Grampus.
HLV Shuhei Yomoda dùng các chân sút người Nhật Bản ở đội hình xuất phát. Trong khi đó, khi nhìn vào 2 cầu thủ dự bị đều là những ngoại binh người Brazil với thể hình vượt trội (là Mauricio Caprini Pinto và Marcelo Ryan) thì nhiều người hâm mộ Việt Nam hẳn đã hiểu Công Phượng sẽ gặp khó khăn lớn như thế nào để cạnh tranh cơ hội thi đấu khi trở lại xứ Mặt trời mọc.
Công Phượng xuất hiện trên tấm biển quảng cáo phía bên ngoài sân vận động của Yokohama, trong ngày anh vắng mặt ở đội hình đăng ký.
Người hâm mộ có thể liên tưởng tới tình hình Công Phượng đi phát tờ rơi ở Nhật Bản hồi còn ở Mito HolliHock.
Vài ngày trước, khi Công Phượng không được điền tên vào danh sách đăng ký ở Yokohama, người hâm mộ lại bắt gặp hình ảnh Công Phượng xuất hiện trên… tấm biển quảng cáo đồ ăn nhanh bên ngoài khu vực sân vận động của đội bóng. Đến lúc này, chắc hẳn rất nhiều CĐV của Công Phượng sẽ liên tưởng tới câu chuyện tền đạo xứ Nghệ từng đi phát tờ rơi quảng cáo ở ga tàu điện ngầm tại Nhật Bản hồi còn đầu quân cho Mito HollyHock. Ký ức không thật sự tươi đẹp ấy đột nhiên lại ùa về và cư dân mạng có lý do để phải lo lắng.
Thách thức lớn còn ở trước mắt
Ở vòng 2 J.League (ngày 24/2 tới), Yokohama FC sẽ phải hành quân tới sân của Shonan Bellmare – đội bóng vừa có chiến thắng 5-1 ở lượt mở màn, tạm chiếm ngôi đầu tại J.League 2. Đây chắc chắn là trận đấu rất khó khăn với Yokohama và cơ hội thi đấu cho Công Phượng đang được đánh giá là hết sức mong manh.
Thậm chí, kịch bản Công Phượng bị "bỏ quên" trong một thời gian không phải là không thể xảy ra. Tại Yokohama, HLV Shuhei Yomoda đang có quá nhiều sự lựa chọn trên hàng công. Trong tay ông thầy người Nhật có tới 8 cầu thủ có thể đá tiền đạo hoặc tiền vệ tấn công. Ngoài các cầu thủ bản địa như Ryoya Yamashita, Koki Ogawa, Koki Sakamoto, Keijiro Ogawa thì có tới 3 tiền đạo người Brazil sẽ phải cạnh tranh nhau để tìm suất thi đấu (gồm Marcelo Ryan, Caprini và Saulo Mineiro). Tất nhiên, việc cạnh tranh với những cầu thủ này sẽ là thử thách rất lớn với Công Phượng.
Công Phượng sẽ đối mặt với những thách thức rất lớn để tìm kiếm cơ hội thi đấu.
Theo quy định của ban tổ chức J.League, các CLB chỉ được đăng ký tối đa 18 cầu thủ cho mỗi vòng đấu. Đây cũng là một khó khăn để Công Phượng được HLV Shuhei Yomoda điền tên vào danh sách đăng ký.
Không ít người hâm mộ cho rằng thách thức cho Công Phượng ở Yokohama thậm chí còn lớn hơn cả Quang Hải tại Pau FC. Thực tế thì điều này là hoàn toàn có thể nếu nhìn vào sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt trên hàng công của Yokohama HC, hay chất lượng chuyên môn cao bậc nhất châu Á là J.League 1.
Tất nhiên, mấu chốt vẫn nằm ở chính Công Phượng. Cơ hội không bao giờ quay lưng nếu anh có đủ nỗ lực và sự trưởng thành. Trong quá khứ, Công Phượng từng không cải thiện được là bao về kỹ năng và tư duy chơi bóng sau những lần "du học" ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Bỉ. Bây giờ, Công Phượng cần có bước đột phá để tìm kiếm cơ hội ở lần xuất ngoại khả năng là cuối cùng trong sự nghiệp.
Nếu không thể tạo một "cú đột phá" bằng những nguồn năng lượng mới, Công Phượng sẽ đối mặt với viễn cảnh đi vào vết xe đổ của chính mình.