"Lúc chú bận cái áo dài này vào, nhảy múa ngoài đường, người ta nói chú là thằng khùng thằng điên" - chú Chánh cười, rồi nói tiếp - "Người ta nói gì thì nói, chú vẫn cứ làm. Mình kiếm đồng tiền cho con cái được đi học thì không có gì phải xấu hổ".
Dưới cái nắng buổi trưa như thiêu đốt của Sài Gòn, người đàn ông trong chiếc áo dài đỏ vẫn tươi cười nhảy múa trên đường phố, ông không quên cúi đầu chào những người qua đường và cảm ơn ai đó đã ghé lại gánh hàng để mua 1 bịch bánh.
Câu chuyện cảm động của người cha 13 năm xa xứ
Những ngày cận Tết, phố phường Sài Gòn khoác lên mình tấm áo mùa xuân rực rỡ, ở một góc nhỏ trên đường Hoàng Diệu (quận 4) hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc áo dài đỏ nhảy múa trong điệu nhạc xuân càng khiến lòng người xốn xang.
Chú Chánh vào Sài Gòn hơn 13 năm nay để mưu sinh.
"Xuân xuân ơi xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến..." - với tay tắt nhạc từ chiếc loa mini, chú Chánh (47 tuổi, Bình Định) ngồi xuống ghế vừa thở dốc vừa nói: "Mấy bữa nay ngày nào chú cũng nhảy liên tục từ sáng tới tối. Có mệt một chút nhưng bán buôn được hơn nên vui lắm!".
Chú Chánh tươi cười dù phải nhảy múa từ sáng sớm đến tối mịt.
Chú Chánh xa gia đình vào Sài Gòn buôn bán từ năm 2005, nghót nghét cũng hơn 13 năm mưu sinh ở đất khách quê người, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để gửi về quê cho mấy đứa nhỏ ăn học.
Vợ chồng chú sinh được 3 người con đặt tên là Hiếu, Tài, Năng. Trời thương nên mấy đứa nhỏ đứa nào cũng ngoan và chịu học, cô chị đầu nay đã là sinh viên năm 3 đại học, cậu em thứ hai đang học lớp 10 trường chuyên Lê Hồng Phong (Bình Định) và cậu út đang học lớp 5.
Việc nhảy múa của chú góp phần gây chú ý cho khách hàng.
Con cái học giỏi nên chú dù vất vả cỡ nào cũng ráng kiếm tiền để chăm lo cho các con. Mỗi ngày chú Chánh ra vỉa hè bán bánh dạo đến khuya mới về.
"Chú phải bán cho hết bánh thì mới về ngủ, vì chỗ nhà trọ là phòng tập thể không có chỗ chứa đồ. Mỗi đêm vậy mình đóng 25 ngàn để được 1 chỗ ngủ, thường thì 1 - 2h khuya chú về ngủ một chút là dậy đi lấy bánh rồi đi bán luôn" - chú tâm sự.
Mấy tháng trước buôn bán ế ẩm nên mấy ngày gần đây chú Chánh nghĩ ra cách mặc áo dài đỏ nhảy múa trên đường phố để tạo sự chú ý cho khách hàng. Chú thiệt thà chia sẻ: "Chú nhảy múa phần vì để thu hút sự chú ý của khách, phần cũng muốn tạo một không khí mùa xuân tươi vui cho mọi người, nhờ vậy mà bán buôn tốt hơn trước".
Rất nhiều người đã mỉm cười khi thấy chú Chánh nhảy múa một cách ngây ngô trên đường phố đem đến một không khí rộn ràng, cũng không ít người cảm động khi biết rằng chú bỏ mặc những lời dèm pha, xấu hổ để kiếm từng đồng gửi về cho các con.
Nhiều người dân Sài Gòn mỉm cười khi nhìn thấy chú nhảy múa.
"Tết này ba về nhà đi, tụi con không cần quần áo mới!"
Mấy hôm trước cô Nghĩa - vợ cùa chú Chánh vào Sài Gòn khám bệnh rồi sẵn tiện ở lại phụ chú bán buôn trong mấy ngày sắp tết.
Cô tâm sự: "Ổng lo cho mấy nhỏ lắm. Bữa nào làm về cũng khuya, nhiều bữa cô nói ổng nhảy ít lại, lớn tuổi rồi lại bị cao huyết áp, nhưng ổng vẫn cứ nhảy vì muốn kiếm thêm tiền cho mấy đứa nhỏ".
Cô Nghĩa ở lại Sài Gòn vài hôm để phụ chú bán hàng.
Tết năm ngoái chú Chánh không về quê ăn tết cùng gia đình mà quyết định ở lại Sài Gòn để bán thêm. Mấy đứa nhỏ nhớ ba gọi điện vào tâm sự: "Ba ơi về quê ăn tết với tụi con!".
Đầu dây bên này chú Chánh buồn rầu đáp: "Nhưng ba chưa có tiền, rồi tụi con ăn gì".
Mấy đứa nhỏ nói: "Tụi con ăn gì cũng được, ăn nước mắm cũng được, tụi con không cần quần áo mới nữa, miễn là ba về nhà..."
Chú không dám tiêu xài cho bản thân, vì muốn dành tất cả những gì tốt nhất cho các con.
Nhưng cuộc đời là vậy, đôi khi người ta buộc phải hy sinh những niềm vui trước mắt để tính cho chuyện tương lai. Điều chú Chánh mong muốn lớn nhất là các con có thể được đi học đến nơi đến chốn, để sau này chúng không khổ như ba mẹ đã từng.
"Sống cảnh vợ một nơi chồng một ngã suốt 13 năm trời, buồn lắm chứ, nhưng nhìn thấy những tấm giấy khen của các con đem về là cô chú mừng không gì bằng. Đó là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của cô chú rồi" - cô Nghĩa tâm sự.
Năm ngoái cậu con trai thứ hai đậu vào trường chuyên cả nhà ai cũng mừng, nhưng nhà nghèo quá làm gì có tiền mà mở tiệc như người ta, thấy vậy thầy chủ nhiệm đã bỏ tiền túi làm cái tiệc nhỏ nhỏ để chúc mừng cậu nhóc, ai nấy cũng khen: "Vợ chồng Chánh Nghĩa nhà nghèo mà con cái đứa nào cũng giỏi giang quá chừng!".
Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên trán chú, cô bảo: "Hồi xưa cô với chú học chung lớp với nhau, hồi đó ghét ổng lắm, rồi cái hông biết duyên cớ gì thương ổng tới bây giờ luôn". Ngộ thiệt chứ hen.
Trời về chiều khách ghé mua bánh mỗi lúc một đông, cô chú cười tíu tít: "Năm nay cô chú sẽ về quê ăn Tết".