Thạc sỹ Phạm Gia Vinh (SN 1983, Giám đốc Công ty Đông Giang Việt Nam, trưởng nhóm chế tạo phi thuyền) thông tin với tờ VTC News, giới chức Australia đã cấp phép cho "phi thuyền không gian" của Công ty Đông Giang bay ở tầng bình lưu có người đi kèm.
Việc cấp phép này theo anh Vinh là không hề đơn giản, thiết bị bay không người lái của nhóm anh phải đảm bảo các điều kiện khắt khe nhất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Phi thuyền không gian trước đó bay thử nghiệm thành công tại thị trấn Alice Spring, Australia lúc 4 giờ sáng 16/5/2016. Khí cụ được đưa vào môi trường cận vũ trụ bằng khinh khí cầu. Sau đó, khinh khí cầu sẽ tự ngắt ra khi đến một độ cao định sẵn. Phi thuyền khi đó chịu sự điều khiển từ mặt đất.
Thông tấn xã Việt Nam thông tin, phi thuyền không gian có tên gọi đầy đủ là khí cụ bay tầng bình lưu.
Nguồn này dẫn lời thạc sỹ Vinh cho hay, phi thuyền đầu tiên của Việt Nam đã được phóng vào môi trường cận vụ trụ ở và hoạt động ổn định ở độ cao 25km, được mô phỏng một vệ tinh viễn thông.
Sự kiện này mở ra triển vọng rất lớn trong việc ứng dụng thiết bị để nghiên cứu tầng khí quyển cao, nghiên cứu môi trường, tài nguyên, viễn thông, quốc phòng...
Ở độ cao khoảng 30km, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão.
Ảnh: VTC News
TS Lê Xuân Huy (Trưởng bộ môn Kỹ thuật hàng không và vũ trụ, ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định trên VTV, thành công của sản phẩm này rất đáng ghi nhận, ở Việt Nam chưa có sản phẩm đạt được tầm bay cao như vậy.
(Tổng hợp)