Mới đây, VPBank thông báo thu phí 3.000 đồng/giao dịch (chưa gồm 10% thuế VAT) với hoạt động rút tiền ngoài hệ thống của nhà băng này kể từ ngày 31/5/2021. Đối tượng áp dụng là các thẻ ghi nợ nội địa VPSuper hoặc Autolink - liên kết với tài khoản VPSuper. Trước đó, ngân hàng miễn phí rút tiền cả nội mạng lẫn ngoài hệ thống đối với thẻ VPSuper.
Nếu khách hàng không muốn bị thu phí thì mở thêm thẻ khác là thẻ ghi nợ quốc tế của ngân hàng. Thẻ mới này sẽ giữ nguyên số tài khoản như trong thẻ cũ.
"Khách hàng có thể tự đăng ký mở thẻ trên ứng dụng web của VPBank, click vào phần Dịch vụ thẻ để mở thêm thẻ ghi nợ quốc tế gắn với tài khoản VPSuper của mình. Khi mở thẻ quốc tế trên ứng dụng web, khách hàng có thể chọn nhận thẻ tại chi nhánh nào, khi phát hành xong, chi nhánh sẽ báo khách hàng ra nhận thẻ và mã pin" – đại diện ngân hàng cho biết.
Sau thông tin VPBank chuyển từ miễn phí sang thu phí rút tiền ngoại mạng thẻ VPSuper, nhiều khách hàng băn khoăn không biết việc thu phí rút tiền ở ATM của các ngân hàng khác thì tính thế nào?
Khảo sát của chúng tôi trong hệ thống các ngân hàng hiện nay (thời điểm ngày 20/5/2021) cho thấy có những ngân hàng miễn phí rút tiền nội mạng nhưng cũng có rất nhiều ngân hàng vẫn thu phí. Đối với ATM ngoài hệ thống, phần lớn các nhà băng đều thu phí, phổ biến là 3.000 đồng/giao dịch (chưa gồm thuế VAT).
Cụ thể, ở nhóm Big4, cả Agribank, Vietcombank và BIDV đều đang thu phí 1.000 đồng/giao dịch rút tiền trong cùng hệ thống, còn nếu ngoài hệ thống sẽ thu phí 3.000 đồng. Trước đó trong năm 2020 riêng Vietcombank thu phí rút tiền ngoài hệ thống 2.500 đồng/giao dịch để hỗ trợ khách hàng.
VietinBank thu phí rút tiền nội mạng là 1.000 – 2.000 đồng/giao dịch tuỳ loại thẻ, nếu rút bằng thẻ phi vật lý thì miễn phí. Tại máy ATM ngoại mạng, phí rút tiền là 3.000 đồng/giao dịch.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank miễn phí rút tiền mặt tại ATM nếu thẻ phát hành theo gói trả lương; phí là 1.000 đồng/giao dịch nếu thẻ theo gói không trả lương và phí là 2.000 đồng/giao dịch trong trường hợp thẻ ATM là thẻ thông thường, tự do, không theo gói dịch vụ nào của nhà băng này.
VPBank hiện tại không thu phí đối với các giao dịch rút tiền nội mạng. Đối với các giao dịch rút tiền ATM ngoài hệ thống thì đang thu phí 3.000 đồng/giao dịch với thẻ Autolink và miễn phí đối với thẻ VPSuper.
Nhưng như đã thông báo, từ ngày 31/5 tới ngân hàng sẽ thu phí rút tiền ngoại mạng 3.000 đồng/giao dịch. Nếu khách hàng không muốn mất phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng thì có thể đổi sang thẻ quốc tế (vẫn giữ số tài khoản cũ như trong thẻ VPSuper).
Tương tự như VPBank là HDBank, hiện ngân hàng này là một trong số ít đang không thu phí rút tiền nội mạng với cả thẻ ATM nội địa lẫn quốc tế do ngân hàng phát hành. Với các giao dịch rút tiền tại ATM ngoài hệ thống bằng thẻ nội địa, HDBank thu phí 3.000 đồng/giao dịch đối.
Tại Sacombank, OCB và ACB, phí giao dịch rút tiền tại ATM nội mạng đồng loạt ở mức 1.000 đồng và ngoài hệ thống là 3.000 đồng. Eximbank miễn phí rút tiền ATM nội mạng cho các chủ thẻ dùng gói dịch vụ, và rút tiền ngoài hệ thống thì cũng thu phí như các ngân hàng khác.
MB trong khi đó thu phí rút tiền tại ATM nội mạng của thẻ ghi nợ nội địa là 1.000 – 3.000 đồng/giao dịch, trong đó phí là 1.000 đồng cho các giao dịch rút dưới 2 triệu đồng; phí 2.000 đồng/giao dịch nếu rút tiền từ 2 triệu đến dưới 5 triệu đồng và rút trên 5 triệu đồng/giao dịch thì phí là 3.000 đồng/giao dịch. Với thẻ ghi nợ quốc tế, ngân hàng thu phí rút tiền cao hơn.
SeABank thu phí rút tiền 550 đồng/giao dịch với các giao dịch nội mạng và ngoài hệ thống cũng là 3.000 đồng.
Ngoài các ngân hàng kể trên, phần lớn các ngân hàng còn lại đều thu phí giao dịch rút tiền tại ATM nội mạng lẫn ngoại mạng, dao động từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/giao dịch, tất nhiên là chưa bao gồm thuế VAT.
Tuy nhiên vẫn có những cái tên đáng chú ý đang miễn phí cả rút tiền nội mạng lẫn ngoại mạng tại bất kỳ ATM nào ở Việt Nam như TPBank, VIB, Nam A Bank.
Theo lý giải của các ngân hàng, việc thu phí rút tiền tại ATM là cần thiết do ngân hàng phải trang trải các chi phí liên quan rất lớn, bao gồm từ việc thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, giám sát an toàn, tiếp quỹ và số tiền phải bỏ ra để nạp vào các cây ATM.
Trong số đó tiền phải nạp vào các cây ATM là "nặng" nhất do các ngân hàng phải bỏ hàng trăm tỷ tới hàng nghìn tỷ đồng vào máy mỗi ngày, tuỳ thuộc mạng lưới ATM ngân hàng có, mà không sinh lãi.
Bên cạnh đó, mức phí từ 1.000 đến 3.000 đồng ngân hàng thu từ các giao dịch rút tiền không phải ngân hàng được hưởng hết mà phải chia sẻ cho đơn vị quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch là Napas cùng các ngân hàng giao dịch liên mạng.
Do chi phí lớn và phải bù lỗ nhiều, cách đây vài năm, một số ngân hàng thậm chí còn đề xuất tăng phí rút tiền tại ATM song chưa thể thực hiện được do sự phản đối của người dùng.