Phi Nhung được biết đến với việc không lập gia đình nhưng lại nhận rất nhiều con nuôi. Tuy nhiên, cô cũng có một con gái ruột tên Wendy, được sinh ra khi cô mới 20 tuổi.
Tại chương trình Ngôi sao đương thời mới đây, Phi Nhung đã bật khóc chia sẻ về con gái mình.
Khi sinh con gái, tôi cho ba của nó biết
Người ta nói tôi hát nhạc về mẹ cảm xúc. Tôi vốn thiếu tình thương của mẹ, con gái tôi cũng thiếu tình thương của tôi, nên mỗi lần hát nhạc về mẹ, tôi không có gì diễn tả nổi sự xúc động của mình, nó thiêng liêng lắm.
Hồi xưa, mỗi lần nhắc về mẹ, tôi hay khóc. Bây giờ tôi cố gắng kiềm chế, không khóc nữa, giống như kiểu ngày càng lớn tuổi nên mọi thứ nuốt hết vào trong người. Tôi muốn đem hết tình cảm của tôi dành cho các con.
Nhiều người hay hỏi tôi về ba của con gái tôi. Khi sinh con gái Wendy, tôi cũng cho ba của nó biết. Ba Wendy thực ra là người rất tốt, dễ thương. Và Wendy có lẽ từ khi sinh ra đã thấy tôi chỉ có một mình nên rất nghe lời tôi, tôi cảm giác như vậy.
Con gái tôi rất ngoan, không khóc đêm, quấy nhiễu gì, tự động uống sữa rồi ngủ.
Tới khi Wendy được một tuổi thì tôi gặp được chị Trizzie Phương Trinh và được chị đưa đi hát. Lúc đó, Trizzie không hề biết tôi có con. Chị chỉ cho hai đêm để suy nghĩ về việc chuyển sang Cali để đi hát cùng chị.
Tôi suy nghĩ một hồi rồi xin Trizzie cho mình một tháng để giải quyết công việc. Sau đó, tôi xin Trizzie mua cho mình một vé máy bay sang Cali vì trong túi tôi chỉ còn 300 đô. Tôi phải trả hết tiền nhà, tiền xe và đủ thứ tiền khác rồi mới đi được.
Đến khi Trizzie mua xong cho tôi chiếc vé giá 600 đô, tôi mới thú nhận về việc có em bé. Trizzie bất ngờ lắm, thốt lên: "Sao em không nói cho chị biết". Cuối cùng, Trizzie phải mua thêm một vé nữa cho con tôi.
Sang Cali, tôi để con cho ba mẹ của Trizzie trông hộ rồi đi hát. Tôi đi hát cuối tuần lĩnh được từ 300 tới 600 đô nhưng chỉ cầm lại 100, còn bao nhiêu đưa hết cho ba mẹ Trizzie để lo cho con tôi.
Có lẽ do tôi cực khổ quá nên trời thương cho tôi được 1 đứa con như vậy
Wendy cho tôi cảm giác như chị em chứ không phải mẹ con. Tôi còn nhớ, lúc đó nó mới có 3, 4 tuổi thôi nhưng cái gì cũng chăm sóc cho tôi. Tôi thay đồ trong phòng mà nó tự động đi dọn cho tôi, rồi tự gác thang lên để đứng lên bồn rửa chén.
Wendy cho tôi một điểm tựa, giúp tôi có cảm giác không cần ai hết, chỉ cần mình con gái là đủ. Có lẽ do tôi cực khổ quá nên trời thương cho tôi được 1 đứa con như vậy.
Thời gian qua Mỹ, tôi sống quá cực khổ, khổ đến cùng cực, khổ không thể tưởng tượng được.
Tôi đi làm vất vả, kiếm từng đồng một để trả tiền nhà, tiền xe. Đến cái chén ăn cơm tôi cũng phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó ở đâu mà có? Đó là tiền tôi phải đi làm cực nhọc kiếm ra, chứ đâu được ai cho.
Thậm chí, ngay cả đi sinh con, tôi cũng phải tự động lái xe một mình. Sinh con xong, tôi lại phải lái xe một mình về. Tôi đặt con bên cạnh, cứ thế lái xe về nhà, không có bất cứ ai ở bên chăm sóc, cha mẹ không, chồng cũng không.
Con tôi giống như một người hộ mệnh, lúc nào cũng ở phía sau đỡ cho tôi. Nó còn bảo tôi: "Con đi học muốn bạn chơi với con vì con là Wendy chứ không muốn chơi với con vì con là con của mẹ".
Bởi vậy nên tôi chấp nhận không công khai việc có con riêng. Tôi để im, ai biết thì biết, ai không biết thì thôi.
Tôi hết lòng hết dạ với con gái vì muốn dồn hết những gì đẹp đẽ nhất cho nó. Tôi muốn con mình lớn lên phải là một người mẹ hoặc người vợ tốt.
Tôi nói với con: "Mẹ học dở, không có điều kiện đi học nên thiệt thòi nhiều thứ. Nhưng con học giỏi nên mỗi khi con bước ra đường, người ta có thể không thích mẹ nhưng chắc chắn sẽ thương con, yêu mến con".
Tôi cố gắng hết khả năng của mình để kiếm tiền lo cho con ăn học. Tôi muốn khi bước ra đường, ai cũng yêu mến con, còn tôi thì sao cũng được.