Các hãng thông tấn Nga ngày 4/2 đưa tin, nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Kononenko dự kiến sẽ lập kỷ lục vào hôm nay (4/2) về thời gian ở trong không gian nhiều nhất thế giới, với tổng thời gian ước tính lên tới gần 2 năm rưỡi.
Theo hãng thông tấn Tass, vào lúc 11 giờ 30 phút 8 giây (theo giờ địa phương Nga), phi hành gia Kononenko - 59 tuổi, sẽ vượt thành tích của người đồng hương Gennady Padalka với tổng cộng 878 ngày, 11 giờ, 29 phút và 48 giây có mặt trong vũ trụ, trước khi nghỉ hưu vào năm 2017.
Phi hành gia Kononenko - Chỉ huy của Cơ quan nhà nước vũ trụ Nga Roscosmos, đang thực hiện chuyến bay vào vũ trụ lần thứ 5 của ông. Sau khi hoàn thành chuyến thám hiểm hiện tại, dự kiến vào ngày 23/9 tới, ông sẽ tích lũy được 1.110 ngày trong không gian.
Theo trang web của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, ở tuổi 34, ông Kononenko bắt đầu được đào tạo trong nhóm các phi hành gia được lựa chọn tham gia chương trình Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Hãng tin Interfax đưa tin, ông đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên vào ngày 8 tháng 4 năm 2008, như một phần của chuyến thám hiểm chính thứ 17 của Trạm vũ trụ quốc tế, trở về Trái đất vào ngày 24/10/2008.
Trạm vũ trụ quốc tế là một trong số ít dự án quốc tế mà Mỹ và Nga vẫn hợp tác chặt chẽ. Vào tháng 12 năm ngoái, Cơ quan nhà nước vũ trụ Nga Roscosmos cho biết chương trình hợp tác này sẽ được kéo dài đến năm 2025.
Ngoài lĩnh vực hàng không vũ trụ, mối quan hệ Nga - Mỹ đã gặp nhiều rạn nứt kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine gần hai năm trước, khiến Mỹ đáp trả bằng cách liên tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt liên tiếp lên Nga.