Trong môi trường không trọng lực, các phi hành gia phải đau đầu tìm cách thích nghi lại những thứ tưởng như đã quá quen thuộc với họ ở Trái Đất, điển hình như việc ngủ. Tại Trái Đất, bạn có thể “bạ đâu ngủ đấy” nhưng ở một nơi đặc biệt như ngoài vũ trụ, việc ngủ cũng chẳng hề đơn giản như chúng ta vẫn tưởng.
Tiến sĩ Story Musgrave (người đứng giữa) cho biết bản thân rất thích thú khi chọn ngủ ở trần tàu vũ trụ.
Theo Tiến sĩ Story Musgrave, một cựu phi hành gia từng có 6 tháng làm việc trên tàu vũ trụ của NASA cho biết:
“Nếu phải hình dung thì việc ngủ trong môi trường không trọng lực cũng rất giống với việc bạn phải ngủ trên một vách đá cheo leo, bởi sẽ có rất nhiều dây đai an toàn quấn quanh lấy bạn. Những chiếc túi ngủ cũng không khác mấy so với túi ngủ tại Trái Đất chỉ trừ có thêm hàng tá dây đai để giữ cố định đầu và các cánh tay của người ngủ”.
“Mặc dù khi ở trong môi trường không trọng lực, bạn sẽ lơ lửng giữa trần và mặt sàn. Tuy nhiên, khu vực ngủ trong khoang tàu cũng phân biệt rõ ràng giữa cả hai.
Các cộng sự của tôi thì chọn cách ngủ dưới sàn bởi nó quen thuộc và có phần giống ở Trái Đất. Riêng tôi, tôi lại chọn ngủ trên trần, bởi vì chỉ có trên không gian thì bạn mới có thể ngủ trên trần”, Tiến sĩ Musgrave chia sẻ.
Tiến sĩ Story Musgrave cho biết thêm, việc phân biệt giữa trần và sàn nhà thực tế chỉ dựa theo quan điểm của từng người, ai thích nghĩ sao cũng được.
Thực chất, khi ở trên tàu vũ trụ, bạn không thể định hướng được chính xác giữa đâu là trần nhà và đâu là sàn nhà: “Có thể đối với tôi, toàn bộ thế giới đều đảo lộn, nhưng điều đó cũng hoàn toàn đúng với bạn tôi, những người đang nằm dưới sàn. Tất cả vấn đề chỉ phụ thuộc vào quan điểm mà thôi”.
Như chúng ta cũng biết, khi ở trong môi trường không trọng lực, cơ thể sẽ trôi tự do nếu chúng ta không kiểm soát phương hướng. Do đó, các phi hành gia sẽ được cố định vào những chiếc giường ngủ để có thể ngủ ngon mà không lo va chạm.
Trên lý thuyết là thế nhưng Tiến sĩ Story Musgrave lại cho biết rằng, bạn có thể ngủ mà không cần cố định bởi tất cả mọi thứ có thể gây nguy hiểm đã được che chắn kỹ càng:
“Nếu bạn đang ngủ say thì di chuyển là rất chậm và va chạm cũng không đủ mạnh để đánh thức bạn dậy. Bất cứ nút điều khiển hoặc công tắc nào trên tàu vũ trụ đều được che lại để phi hành gia không thể vô tình chạm vào.”
Theo Tiến sĩ Musgrave, khi các hành gia ngủ trong không gian, tay chân họ sẽ tự tìm về trạng thái thoải mái nhất ở điểm cân bằng, còn được gọi là “điểm trung lập”. Musgrave cho biết: “100% các khớp xương trong cơ thể, bao gồm tất cả các khớp ngón tay, ngón chân đều trở về điểm trung lập.”
Dưới Trái Đất, bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác này bằng cách lặn hụp dưới nước. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn chỉ nên thử khi tỉnh táo bởi sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta “ngủ quên” luôn dưới mặt hồ.
Một cảm giác thú vị khác mà ông cho biết là bạn sẽ cảm thấy mất cảm giác điều khiển chân tay. Do không có gường chống đỡ cơ thể và phải trôi lơ lửng, các phi hành gia sẽ bị mất phương hướng và cảm thấy như mất toàn bộ tứ chi khi thức dậy. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng túi ngủ và được cố định lại thì cảm giác này sẽ không xảy ra.