Phi hành gia NASA 'mắc kẹt' trên không gian gần 300 ngày, lập kỷ lục mới?

Hà Thu |

Các phi hành gia của NASA Butch Wilmore và Sunita Williams sẽ ở lại ít nhất chín tháng liên tiếp trên Trạm vũ trụ quốc tế trước khi trở về Trái đất. Liệu chuyến bay vũ trụ kéo dài này có lập kỷ lục?

Các phi hành gia NASA Butch Wilmore và Sunita Williams sẽ dành hơn 270 ngày trong không gian trước khi trở về nhà. (Ảnh: NASA)

Ngày 24/8, NASA đã công bố kế hoạch được mong đợi từ lâu là đưa các phi hành gia Butch Wilmore và Sunita Williams về Trái đất từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sớm nhất vào tháng 2 năm 2025 — dài hơn tám tháng so với chuyến đi tám ngày ban đầu mà họ đã đăng ký.

Tuy nhiên, mới đây, NASA lại thông báo một lần nữa về sự chậm trễ trong chuyến trở về dự kiến của các phi hành gia do sự cố với khoang tàu SpaceX. Chuyến bay trở về của Wilmore và Williams bị hoãn lại đến cuối tháng 3 là sớm nhất, tức là sau gần 300 ngày họ ở trên không gian.

Các phi hành gia này đã phải bỏ tàu vũ trụ Boeing Starliner gặp sự cố khi đến ISS và phải chuyển sang tàu vũ trụ SpaceX Dragon để trở về Trái đất, nhưng vẫn chưa có ngày trở về chính xác. Sớm nhất là vào cuối tháng 3, phi hành đoàn sẽ bay trở về Trái đất. Như vậy, phi hành đoàn Starliner đã ở lại trong không gian tới 270 ngày liên tiếp kể từ khi tàu vũ trụ được phóng vào ngày 5/6 năm 2024.

Chín tháng liên tục trong không gian nghe có vẻ nhiều, nhưng không phải là một kỷ lục mới. Theo trang web Space.com, các phi hành gia thường dành trung bình sáu tháng trên ISS, nơi họ tiến hành các thí nghiệm và bảo trì trạm không gian trước khi trở về Trái đất. Tuy nhiên, các nhiệm vụ có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa, vì nhiều lý do, bao gồm các thí nghiệm kéo dài và các sự cố không lường trước.

Ai là người sống trong không gian lâu nhất?

Kỷ lục về số ngày liên tiếp ở trong không gian nhiều nhất thuộc về phi hành gia Frank Rubio, người Mỹ, người đã dành 371 ngày trên ISS từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023.

Rubio ban đầu dự kiến sẽ trở về Trái đất vào tháng 3 năm 2023, nhưng thời gian ở lại không gian của ông đã tăng gấp đôi sau khi một thiên thạch nhỏ hoặc mảnh rác vũ trụ đâm vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga, dự kiến sẽ đưa ông về nhà vào tháng 12 năm 2022, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Rubio, cùng với các phi hành gia người Nga Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin, đã phải đợi thêm sáu tháng nữa trong không gian trước khi tàu Soyuz thay thế đến để đưa họ về nhà.

Trong khi Prokopyev và Petelin của Nga cũng đạt 371 ngày liên tiếp trong không gian. Nhà du hành vũ trụ Valeri Polyakov — người giữ kỷ lục về số ngày liên tiếp ở trong không gian nhiều nhất đã làm việc trên trạm vũ trụ Mir hiện đã ngừng hoạt động của Nga trong 437 ngày, hay hơn 14 tháng, từ tháng 1 năm 1994 đến tháng 3 năm 1995. Polyakov đã tình nguyện tham gia nhiệm vụ này như một phần của nghiên cứu về tác động của chuyến bay vũ trụ dài ngày đối với sức khỏe con người.

Những chuyến bay dài ngày đáng chú ý khác trong không gian bao gồm 328 ngày của phi hành gia người Mỹ Christina Koch trên ISS từ tháng 3 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020 và 340 ngày của phi hành gia người Mỹ Scott Kelly trong không gian từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016.

Không gian ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Chuyến bay vũ trụ kéo dài của Kelly là một phần trong nghiên cứu mang tính đột phá về cặp song sinh của NASA , so sánh sức khỏe thể chất và tinh thần của Kelly trước và sau chuyến bay vũ trụ với sức khỏe cơ bản của người anh em sinh đôi giống hệt mình là Mark Kelly, phi hành gia đã nghỉ hưu và hiện là thượng nghị sĩ Arizona, người ở lại Trái Đất trong thời gian anh trai mình ở trên quỹ đạo.

Nghiên cứu song sinh cho thấy các phi hành gia trải qua một số thay đổi trong thời gian dài ở trên quỹ đạo, bao gồm những thay đổi trong biểu hiện gien, trọng lượng cơ thể và thành phần vi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu này cho thấy, các phi hành gia sống trong điều kiện không trọng lực lâu ngày cũng có khả năng gặp phải những tác động ngắn hạn đến sức khỏe như mất cơ và xương, các vấn đề về thị lực, khả năng miễn dịch thấp hơn, nguy cơ hình thành cục máu đông, viêm tăng lên và tổn thương ADN. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hầu hết những thay đổi này trở lại bình thường sau sáu tháng trở lại Trái đất.

Trong khi Williams và Wilmore dành nhiều tháng tiếp theo trong không gian, họ có thể trải qua một số thay đổi tạm thời này, cũng như những thay đổi về sức khỏe tâm thần liên quan đến sự cô lập và buồn chán, nghiên cứu trước đây cho thấy.

Trên đường đến ISS vào tháng 6 năm nay, tàu vũ trụ Starliner đã bị rò rỉ heli một vài lần và gặp một số vấn đề với một số động cơ đẩy nhỏ. Tàu vũ trụ này đã ghép nối an toàn với trạm vũ trụ, nhưng nhiều tháng thử nghiệm vẫn không thể giải quyết triệt để các vấn đề.

Vào ngày 24/8, các quan chức NASA thông báo rằng, vì lợi ích an toàn, Starliner sẽ rời ISS và trở về Trái đất mà không có phi hành đoàn vào đầu tháng 9. Vào ngày 6/9, tàu Starliner không người lái đã trở về Trái đất thành công mà không có vấn đề gì .Trong khi đó, hai phi hành gia Williams và Wilmore sẽ phải tiếp tục ở lại không gian để chờ chuyến trở về vào năm 2025.

Theo Live Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

NASA

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại