Phép thử từ chuyện xét xử luận tội ông Trump

Hà Linh |

Phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến bắt đầu vào ngày 9-2 tại Thượng viện Mỹ sau khi cơ quan lập pháp này chính thức nhận điều khoản luận tội từ Hạ viện Mỹ liên quan đến vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội vào đầu tháng này.

Nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ rời Thượng viện sau khi trình bày điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump hôm 25-1. Ảnh: REUTERS

Nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ rời Thượng viện sau khi trình bày điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump hôm 25-1. Ảnh: REUTERS

Ông Jamie Raskin, người chủ trì tiến trình luận tội tại Hạ viện, đã đọc điều khoản luận tội nhằm vào ông Trump tại Thượng viện hôm 25-1, theo đó cáo buộc cựu tổng thống này "kích động bạo lực chống lại chính phủ Mỹ".

Tại cuộc bỏ phiếu hôm 13-1, 10 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đứng về phía Đảng Dân chủ trong việc ủng hộ luận tội ông Trump. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa để kết tội ông Trump tại cơ quan hiện có tỉ lệ ghế cân bằng 50-50.

Đảng Dân chủ chỉ nắm thế đa số nhờ lá phiếu phá vỡ thế bế tắc của Phó Tổng thống Kamala Harris trong vai trò Chủ tịch Thượng viện. Theo Reuters, nhiều nhà lập pháp Cộng hòa phản đối nỗ lực luận tội ông Trump thông qua các lập luận chính trị và hiến pháp khi cho rằng nước đi này không những khoét sâu chia rẽ mà còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm, bởi ông Trump hiện đã rời Nhà Trắng.

"Tôi vẫn lo ngại về tính hợp hiến của tiến trình này. Phiên tòa ở Thượng viện có thể tạo ra tiền lệ trong việc nỗ lực kết tội một dân thường. Trong tương lai, liệu tiến trình này có được sử dụng để chống lại cựu Tổng thống Barack Obama hay không?" - Thượng nghị sĩ Joni Ernst khẳng định. Với lập luận tương tự, Thượng nghị sĩ John Cornyn nhấn mạnh phiên xét xử sắp tới là không cần thiết, đặc biệt là khi ông Trump "đã bị trừng phạt" bằng thất bại bầu cử.

Phản ứng trên là dấu hiệu ban đầu cho thấy ảnh hưởng của ông Trump vẫn còn tại Đảng Cộng hòa ngay cả khi ông rời Nhà Trắng. Phiên xét xử luận tội sẽ là phép thử đối với một đảng vẫn đang vật lộn thời hậu Trump.

Giới thượng nghị sĩ Cộng hòa hiện phải làm sao vừa không làm phật lòng các nhà tài trợ đang giữ khoảng cách với ông Trump vừa tránh chọc giận các cử tri vẫn còn ủng hộ cựu lãnh đạo này.

Với Đảng Dân chủ, phiên xét xử cũng mang lại không ít thách thức, buộc họ phải cân bằng giữa mong muốn trừng phạt ông Trump và sự háo hức thực hiện các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi đảng này nắm quyền kiểm soát lưỡng viện và Nhà Trắng.

Bản thân Tổng thống Biden hôm 25-1 khẳng định phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump "phải diễn ra". Dù thừa nhận quá trình này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chương trình nghị sự của ông, song Tổng thống Biden nhấn mạnh "ảnh hưởng sẽ còn xấu hơn nếu nó không diễn ra". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông không tin sẽ có đủ phiếu để kết tội cựu Tổng thống Trump tại Thượng viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại