Bức ảnh “Cô bộ đội bế em bé” cách đây 40 năm và phép màu giữa đời thực

Ngân Hà |

Hoàn cảnh khó khăn cùng bệnh tình của bà Bùi Thị Mùi - một trong hai nhân vật chính trong bức ảnh “Cô bộ đội và em bé” đã thôi thúc nhiều người tình nguyện chung tay giúp đỡ, sẻ chia.

Bà Bùi Thị Mùi được biết đến qua khoảnh khắc cứu giúp em bé hơn 2 tuổi khi mẹ em bị bắn trọng thương trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Năm ấy, bà Mùi là cô bộ đội chỉ mới 20 tuổi, khi đến khu vực cầu Tài Hồ Sìn (huyện Hòa An, Cao Bằng) đã phát hiện một em bé cùng người mẹ đang bị thương nặng sau đợt tấn công của địch.

Cô bộ đội Mùi đã nhận bế em bé trên tay suốt hơn một ngày đêm, đưa hai mẹ con em từ rừng ra. Khoảnh khắc chân thực được nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường kịp ghi lại.

Phép màu dành cho người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội và em bé” cách đây 40 năm - Ảnh 1.

Khoảnh khắc cô bộ đội Bùi Thị Mùi cứu giúp em bé hơn 2 tuổi khi mẹ em bị địch bắn trọng thương năm 1979.

Năm 1981, bà Mùi lập gia đình với ông Nguyễn Thanh Long, sinh sống ở xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Hai vợ chồng bà Mùi không có con. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Tai họa ập đến vào tháng 3/2015, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người, bất tỉnh.

Mọi người đưa bà xuống cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ và 2 lần lên bàn mổ để nối động mạch cổ, gỡ xương sườn đâm vào phổi… Tiếp đó, bà phải xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chữa trị trong gần 20 ngày rồi về nhà điều trị.

Thoát được lưỡi hái tử thần nhưng toàn bộ phần cơ thể phía dưới của bà bị liệt, phải nằm một chỗ.

Toàn bộ sinh hoạt, ăn uống đều phải nhờ đến người chồng bao năm gắn bó. Nhà neo người, nên chồng bà không dám đi làm ăn xa vì còn dành thời gian chăm sóc vợ.

Kinh tế gia đình của đôi vợ chồng già đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ bởi thời điểm bà bị thương nặng, gia tài lớn nhất là 2 con trâu cũng phải bán để trang trải khoản viện phí gần 200 triệu đồng.

Phép màu dành cho người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội và em bé” cách đây 40 năm - Ảnh 2.

Kinh tế gia đình của vợ chồng bà Mùi đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ sau tai nạn của bà

Được biết, nếu được chữa trị tích cực, bà Mùi có cơ hội đi lại được. Tuy nhiên, với họ, tiền ăn uống từng bữa còn phải dè sẻn, nên chi phí ghép tế bào và phục hồi chức năng nằm ngoài khả năng của hai ông bà.

Cách đây 3 tháng, phép màu đã đến khi cô bộ đội năm xưa được một bệnh viện Đa khoa Quốc tế tài trợ phẫu thuật ghép tế bào gốc miễn phí.

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia về phẫu thuật nhi khoa tại Việt Nam, Viện trưởng viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, người tiếp nhận trường hợp của bà Bùi Thị Mùi cho hay, tình hình sức khỏe của bà đã cải thiện đáng kể sau ca phẫu thuật lần thứ nhất.

GS – TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết:"Cô Mùi bị liệt tủy sống do chấn thương, đã được bệnh viện ghép tế bào gốc lần một miễn phí cách đây 3 tháng.

Sau ca ghép tế bào, tình hình sức khỏe của cô có nhiều tiến bộ: chân bị liệt đã co lên được chút ít, chân bên kia trước khi phẫu thuật rất yếu, nhưng hiện tại đã khỏe hơn, vì vậy cô có thể đứng được trên chân này.

Hai tay cử động cũng khỏe hơn trước, nên cô có thể chống tay ngồi dậy. Đồng thời, cơ thể có cảm giác buồn đi vệ sinh và đã có lúc đi đại tiện không cần thụt tháo"

Cũng theo Giáo sư Liêm, ngày 18/6 tới đây, bà Mùi sẽ tiếp tục được tiến hành ghép tế bào gốc lần thứ 2.

Phép màu dành cho người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội và em bé” cách đây 40 năm - Ảnh 3.

Ngày 18/6 tới đây, bà Mùi sẽ tiếp tục được tiến hành ghép tế bào gốc lần thứ 2.

Vì đang cần tìm người hỗ trợ đưa bà Bùi Thị Mùi về Hà Nội trong ngày 17/6 để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, GS – TS Nguyễn Thanh Liêm đã chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân của mình.

Rất nhiều nhà hảo tâm đã lên tiếng đề nghị được chung tay giúp đỡ, chia sẻ phần nào khó khăn với cô bộ đội năm xưa.

"Sau khi tôi kêu gọi, ngay sau đó có rất nhiều bạn tình nguyện nhận hỗ trợ việc đưa cô ấy lên bệnh viện để phẫu thuật.

Hiện tại, việc đưa cô Mùi lên bệnh viện đã giải quyết xong. Chúng tôi sẽ tiến hành ghép tế bào lần 2, nếu thành công và đáp ứng tốt, hy vọng cô có thể đi lại được và chủ động trong việc đại tiện, tiểu tiện– GS – TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ thêm.

Hiện tại, đã có những cá nhân, đơn vị nhận giúp đỡ bà Mùi trong quá trình tập phục hồi chức năng sau ca ghép tế bào gốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại