Phe nổi dậy Syria (FSA) đã đồng ý rút khỏi Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus (Syria), theo một thỏa thuận do Nga làm trung gian, Reuters dẫn thông tin từ hai tay súng nổi dậy ngày 21-3. Theo hai nguồn tin này, các tay súng nổi dậy sẽ rút về các địa phương do phe nổi dậy kiểm soát ở tây bắc Syria.
Cụ thể, theo hai nguồn tin, các tay súng từ nhóm nổi dậy Ahrar al Sham kiểm soát thị trấn Harasta ở Đông Ghouta đã đồng ý hạ vũ khí đổi lấy đường rút an toàn và đảm bảo ân xá theo các điều khoản hòa giải. Harasta là một trong những thị trấn lớn đông đúc của Đông Ghouta, hiện còn hàng trăm tay súng nổi dậy ở đây.
Trong khi đó Reuters dẫn lời một quan chức Syria tham gia đối thoại với phe nổi dậy trong vài ngày qua cho biết: “Thỏa thuận đã được thống nhất và có thể sẽ đi vào thực hiện sớm, sau khi một lệnh trừng bắn được thông báo trong ngày 21-3”.
Theo quan chức này, sau lệnh ngừng bắn sẽ là một đợt sơ tán dân thường bị thương ở Đông Ghouta.
Thế trận của phe nổi dậy trở nên xấu đi sau khi quân chính phủ Syria thành công với chiến dịch tăng cường không kích và tấn công, chia Đông Ghouta ra thành ba khu vực phong tỏa, chia cách Harasta với các khu vực khác. Quân đội Syria đưa tối hậu thư đầu hàng cho các tay súng nổi dậy ở Harasta từ ngày 18-3.
Thỏa thuận giữa nhóm nổi dậy Ahrar al Sham ở Harasta với chính phủ Syria sẽ tăng áp lực lên 2 nhóm nổi dậy còn lại là Failaq al-Rahman ở phía nam và Jaish al-Islam ở phía bắc. Đến thời điểm này, 2 nhóm nổi dậy này vẫn tuyên bố bác đề nghị rút quân trong thỏa thuận Nga làm trung gian.
Tuy nhiên, theo một thủ lĩnh phe nổi dậy biết rõ về tình hình chiến sự thì khả năng hai nhóm nổi dậy còn lại nối gót nhóm Ahrar al Sham ở Harasta đầu hàng chính phủ Syria rất cao.
Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh hiện đã chiếm được 70% Đông Ghouta - vốn bị phe nổi dậy kiểm soát từ năm 2013 - sau nhiều tuần tăng cường không kích và tấn công.
Số phận Đông Ghouta được định đoạt sau năm năm trời chịu phong tỏa và không kích từ quân chính phủ Syria và đồng minh Nga. Chiến lược phong tỏa kèm không kích này đã từng được quân chính phủ Syria sử dụng và thành công với các tỉnh Aleppo, Homs cũng như các khu vực khác.
Rút khỏi Đông Ghouta là thất bại lớn nhất của phe nổi dậy kể từ khi thất thế rút khỏi TP Aleppo cuối năm 2016, cũng sau một chiến dịch phong tỏa, không kích, tấn công thực địa để rồi đưa ra thỏa thuận đầu hàng của chính phủ Syria.