Nhật Bản sở hữu những cải tiến công nghệ vượt bậc, dẫn tới sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế. Những năm 50, công tác xử lý rác thải không được chú trọng bởi việc đó có phần tốn kém.
Có tiền trong tay, người Nhật đổ vào phát triển công nghiệp.
Đó chính là mở đầu cho câu chuyện của Nhật Bản, cũng là bài học đắt giá mà nước này chia sẻ cho thế giới, đặc biệt là các nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa.
Nhật Bản và cái giá cho sự phát triển thần kỳ
Ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm
Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao lại chính là những ngành công nghiệp trọng yếu đóng góp vào tăng trưởng của đất nước. Đó là những ngành chuyển đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm công nghiệp như thép, giấy và hóa chất.
Trước vấn nạn ô nhiễm, hàng loạt điều luật về môi trường được đưa ra trong hội nghị năm 1970, ngày nay gọi là hội nghị "Kiêng Ô nhiễm". Đó là bước ngoặt trong chính sách môi trường của Nhật Bản.
Hàng loạt điều luật về môi trường được ban hành, trong đó đáng chú ý nhất là Luật Quản lý Chất thải, với định nghĩa "chất thải công nghiệp" gồm 20 loại rác thải khác nhau.
Chính phủ Nhật cấm xả các hóa chất độc hại đặc thù, chưa qua xử lí, hoặc có thể thiêu. Những chất thải độc hại như thủy ngân, cadmium phải được hóa rắn trong xi-măng trước khi được đem ra bãi thải.
Theo quy định PPP, các nhà kinh doanh tại Nhật Bản phải tự mình xử lí rác thải hoặc thuê thầu khoán. Nếu đi thuê, các nhà sản xuất chỉ cần chuyển giao toàn bộ rác thải và thanh toán chi phí xử lí.
Tuy nhiên, phương thức này cũng có vấn đề.
Nhà sản xuất quan tâm tới chi phí, thay vì chất lượng dịch vụ. Nhiều cơ sở có giá thành rẻ nhưng không xử lí rác thải đạt chuẩn dẫn tới tình trạng xả thải trái phép.
Vậy là ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Bờ biển đảo Seto còn được mệnh danh là "biển chết" vì tình trạng ô nhiễm báo động. Năm 1975, cá chết hàng loạt do hiện tượng thủy triều đỏ. Hiện tượng này có thể do thiên nhiên nhưng cũng có thể do ô nhiễm môi trường từ rác thải của con người.
Tại Nhật Bản, rác thải được thiêu trước khi đem ra bãi thải. Phương pháp này thông dụng từ những năm 70. Người ta cho rằng làm như vậy sẽ có thể quản lí vệ sinh và giảm khối lượng rác thải.
Các kế hoạch xây dựng cơ sở đốt rác gần khu dân cư được vạch ra. Nhưng người dân thì phản đối. Họ lo ngại rác thải có chứa nhựa và đặc biệt là vinyl chloride sẽ làm sản sinh dioxin, gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Xã hội cuối cùng đã phải thừa nhận vấn đề này sau khi các tổ chức người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm có vinyl chloride (dùng để điều chế keo dán nhựa, là tác nhân gây ung thư).
Nhật Bản nhận ra: Nước này sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu cấu trúc xã hội dựa trên hình thức “sản xuất hàng loạt, tiêu thụ hàng loạt và xả thải hàng loạt” không thay đổi.
Rác thải là tài nguyên
Năm 1992, vấn đề môi trường được đề cao trong Hội nghị Trái đất tại Brazil. Đó cũng là thời điểm các ngành công nghiệp Nhật Bản bắt đầu ý thức và đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường.
Những công ty mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là những công ty đầu tiên áp dụng, bởi họ nhạy cảm với xu thế toàn cầu hơn.
Thiết bị gia dụng tiết kiệm điện được phát triển. Cụm từ “thân thiện với môi trường” thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo.
Chuỗi giá trị trong sản xuất được xem xét lại từ giai đoạn thiết kế sản phẩm. Các nhà sản xuất tiến hành kiểm nghiệm, dán nhãn sinh thái (nhằm hỗ trợ người tiêu dùng phân loại), cấp chứng chỉ cho sản phẩm và thu thập thông tin, dữ liệu.
Thông tin này sau đó sẽ được công khai minh bạch. Đây là một bước đi rất khôn khéo nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, vốn đã bị tổn hại sau bê bối xả thải trái phép và phát thải dioxin trước kia.
Ngoài ra, Nhật Bản bắt đầu tập trung hơn tới chất lượng rác thải, khác với trước kia là chỉ chú trọng tới số lượng.
Chính phủ Nhật phát triển một giải pháp mới. Đó là ban hành luật về: Thiết lập xã hội quay vòng vật chất bền vững.
Luật này xây dựng một hệ thống gồm nhiều phương pháp nhằm quản lí rác thải, ưu tiên trật tự sau: nguyên tắc 3R (giảm lượng phát thải, tái sử dụng, tái chế), áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải và cuối cùng là xả thải một cách hợp thức.
Như vậy, rác thải công nghiệp được xem như một nguồn tài nguyên. Chất thải của ngành công nghiệp này có thể trở thành nguyên liệu thô của ngành công nghiệp khác. Từ đó, mức độ phát thải sẽ giảm về 0.
Phương pháp này được thể hiện rất rõ trong trường hợp của thành phố Kawasaki.
Kawasaki: Từ ô nhiễm thành sinh thái
Kawasaki là một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Vì thế, đây cũng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trong thập niên 1950, 1960.Năm 1997, Kawasakia được chấp thuận tham gia vào dự án Thị trấn Sinh thái (Eco-Town), phát triển dựa trên khái niệm: không phát thải (zero emission).
Thành phố hỗ trợ các công ty xây dựng và lắp đặt cơ sở tái chế. Rác thải sinh ra từ khu đô thị và các nhà máy được tận dụng làm nguyên liệu thô cho các dự án khác. Nhờ vậy, bã nguyên liệu cùng năng lượng dư thừa (nhiệt thải) được tận dụng một cách hiệu quả.
Từ một thành phố chìm trong ô nhiễm, Kawasaki tái sinh, trở thành thành phố sinh thái đầu tiên, không phải chỉ của Nhật Bản mà của toàn thế giới.
Kawasaki là hạt nhân đầu tiên đại diện cho mô hình mà Nhật Bản đang cố gắng nhân rộng trên khắp đất nước.
Rõ ràng, vẫn phát triển công nghiệp, vẫn tăng trưởng kinh tế nhưng người khổng lồ châu Á không bỏ cuộc trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu toàn cầu.