Từ xu hướng review ẩm thực...
Những trang web đánh giá, gợi ý món ăn, các địa điểm ăn uống, hay gọi chung là food blog (blog ẩm thực) ra đời thật sự đã đánh trúng nhu cầu khám phá ẩm thực đa dạng của người dùng.
Hàng ngàn thông tin về quán xá cùng món ăn, giá cả, phong cách phục vụ… được công khai trên các food blog, giúp các tín đồ ẩm thực có thêm kênh tham khảo mỗi khi nghĩ đến việc ăn món gì, ăn ở đâu.
Sự hoạt động của các food blogger với những trang web, kênh youtube riêng như Ninh Tito, Khoai Lang Thang, Trang Nhím, Phan Anh (Esheep)... chuyên chia sẻ những địa điểm ăn uống ngon và đang được yêu thích cũng góp phần mang đến sự thay đổi rất lớn trong nhu cầu và xu hướng thưởng thức ẩm thực của giới trẻ.
Sự xuất hiện của hàng loạt food blog này còn thúc đẩy người dùng khám phá những miền đất ẩm thực mới mẻ, những trào lưu ẩm thực mới nổi, những món ăn độc đáo…
Nếu như thời chưa có food blog, việc ăn gì, ở đâu, giá cả ra sao… thường chỉ được chia sẻ trong giới hạn mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... thì nay, nhờ food blog, mọi thứ đã được lan toả rộng rãi.
…đến cơ hội mở rộng "hệ sinh thái ẩm thực" cho các dịch vụ giao thức ăn trực tuyến
Có thể nói, sự vào cuộc của các nền tảng giao nhận thức ăn trực tuyến như GrabFood, Now, Go-Food, Baemin… đã góp phần giúp việc trải nghiệm ẩm thực trực tuyến của khách hàng thêm dễ dàng, nhanh chóng.
Tuy nhiên, phải chăng việc phát triển food blog là điều mà các nền tảng này nên nghĩ thêm từ bây giờ nếu muốn có thêm lợi thế cạnh tranh và thu hút người dùng?
Thông thường, hành vi ăn uống của khách hàng sẽ được thiết lập theo chuỗi logic: Phát sinh nhu cầu, khám phá quán ăn và quyết định đặt món. Do đó, cần có dịch vụ để giúp trải nghiệm của khách hàng được liền lạc.
Thay vì chỉ đơn thuần đóng vai trò là đơn vị trung gian giao thức ăn, các nền tảng giao thức ăn có thể mang đến những thông tin cũng như nhận xét ẩm thực hữu ích để giúp khách hàng tham khảo món ăn, nhà hàng trước khi đặt món. Điều này cũng góp phần kích thích nhu cầu và hành vi ăn uống của họ.
Trên thực tế, ngoài Now vốn gắn liền với nền tảng Foody, GrabFood cũng sốt sắng vào cuộc khi cho ra mắt một trang blog ẩm thực mang tên GrabFood Blog. Khác với hướng phát triển trước đó của Now, GrabFood phát triển nền tảng food blog sau khi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đặt món trực tuyến.
Có thể thấy, điều này vừa góp phần giúp GrabFood khẳng định vị thế trên thị trường đặt món, vừa giúp dịch vụ này phát triển tối ưu theo hướng "hệ sinh thái ẩm thực" tiện lợi, đa năng khi vừa cung cấp kiến thức ẩm thực qua blog, vừa giúp đặt món thông qua ứng dụng.
GrabFood Blog - chuyên trang ẩm thực song hành cùng dịch vụ đặt món GrabFood của Grab
Truy cập GrabFood Blog, trang web đăng tải rất nhiều bài viết đa dạng về nội dung, bắt mắt về hình ảnh, kèm theo thông tin quán xá rõ ràng giúp người dùng có thể dễ dàng order trên ứng dụng Grab.
Ngoài những bài review về hàng quán ngon nức tiếng, quán lâu năm, quán đang hot khắp 3 miền… trang blog cũng cập nhật xu hướng với những kiểu bài viết gợi ý như tổng hợp quán ăn cho cú đêm, những địa chỉ bán xôi, những quán bánh mì nổi tiếng… giúp người dùng bỏ túi những thông tin đáng giá khi còn đang chưa biết ăn gì, ở đâu.
Nguyễn Bảo Vy (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. HCM) cho biết: "Khi dịch vụ giao món ăn trực tuyến có tích hợp thêm trang blog review ẩm thực sẽ là nhất cử lưỡng tiện cho khách hàng. Tham khảo xong, thấy ngon thì lên ứng dụng đặt món luôn, vừa nhanh, tiện, vừa an tâm.
Hơn nữa, ví dụ, nếu một du khách từ TP. HCM như tôi đến Đà Nẵng, phân vân chưa biết thưởng thức món gì ở nơi đó thì cứ bật blog lên là vô số gợi ý món ăn chất lượng hiện lên ngay, đỡ phải đau đầu suy nghĩ".
Có thể nói, việc phát triển một trang blog ẩm thực riêng sẽ giúp các nền tảng giao nhận thức ăn gia tăng lợi thế cạnh tranh khi có thêm chuyên môn về ẩm thực. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đặt món trực tuyến cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tạo lợi thế cạnh tranh bằng những giá trị cộng thêm cho khách hàng như vậy càng là điều tất yếu.
Các nền tảng nhờ đó càng tạo được vị thế và sự tin tưởng của khách hàng, nới rộng cộng đồng người dùng trung thành trải nghiệm và sử dụng dịch vụ.