Việc TS Bùi Quang Tín đột ngột qua đời, để lại nhiều sự tiếc thương cho gia đình và bạn bè. Dư luận xã hội bày tỏ sự tiếc thương, đòi hỏi cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân cái chết và xử lý những cá nhân có hành vi phạm tội (nếu có) là điều bình thường.
Mạng xã hội làm thay công việc cơ quan tố tụng (?)
Chỉ tiếc là một số tài khoản facebook đã đi quá xa khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã đăng thông tin quy kết trách nhiệm về cái chết của nạn nhân cho một cá nhân của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM.
Việc cá nhân này có liên quan đến cái chết của nạn nhân hay không sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Sai phạm của người này đến đâu, chắc chắn sẽ bị xử lý đến đó; nếu có việc thực hiện tội phạm thì sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật.
Đáng nói hơn, chỉ một ngày sau cái chết của nạn nhân, trên mạng xã hội đã lan truyền Bản tường trình của bà Nguyễn Thanh Bích, vợ nạn nhân, tố cáo một Hiệu phó Trường Đại học Ngân hàng TP HCM có mâu thuẫn với nạn nhân và nghi ngờ chồng bà bị giết bởi người này.
Việc bà Bích tố cáo, nghi ngờ chồng bị sát hại là hoàn toàn phù hợp, nhưng việc bản tường trình vừa nộp cho cơ quan công an, gần như ngay lập tức được lọt ra ngoài, lan truyền trên mạng xã hội là điều rất kỳ lạ.
Sự lọt, lộ này là vô tình hay ai đó đã cố ý phát tán nhằm gây sức ép lên cơ quan điều tra? Ai đã làm lọt, lộ bản tường trình này lên mạng xã hội và nhằm mục đích gì, chắc sẽ được cơ quan chức năng xác minh làm rõ.
Khi bản tường trình bị lọt, lộ lên mạng xã hội, nhiều thông tin về nhân thân, uy tín, danh dự của cá nhân bị nêu trong đơn bị ảnh hưởng.
Một số tài khoản còn dùng những lời lẽ mắng chửi, xúc phạm, quy kết người bị nêu tên trong bản tường trình như tội phạm, trong khi cơ quan tố tụng còn chưa khởi tố vụ án.
Nếu cái chết của nạn nhân là vụ án hình sự thì không có gì để bàn. Ngược lại, nếu cơ quan chức năng kết luận cái chết của TS Bùi Quang Tín không phải do người bị nêu tên trong bản tường trình gây ra, ai chịu trách nhiệm về việc người bị nêu tên trên mạng xã hội bị xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm?
Thông tin điều tra bị tường thuật quá chi tiết!
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, cơ quan tố tụng chỉ được khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu tội phạm.
Khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động tiền tố tụng để xác định xem có dấu hiệu tội phạm hay không để từ đó ban hành một trong các quyết định: Khởi tố vụ án; Không khởi tố vụ án; Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Trong vụ việc của nạn nhân Bùi Quang Tín, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và thực hiện một số hoạt động điều tra.
Theo quy định của BLTTHS và Luật tổ chức điều tra hình sự, những thông tin trong quá trình điều tra vụ án hình sự là tài liệu mật, không được tiết lộ ra ngoài.
Công an khám nghiệm hiện trường
Đối với vụ việc này, dư luận rất quan tâm nên các cơ quan báo chí "săn" tin hoạt động điều tra của cơ quan điều tra là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đã tường thuật quá chi tiết về những buổi làm việc của vợ nạn nhân với cơ quan điều tra là điều không nên. Thậm chí, bản phân tích, đưa ra các tình huống giả định, nghi ngờ mà vợ nạn nhân gửi cơ quan điều tra cũng được tung lên facebook.
Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần có trách nhiệm hơn trong việc chọn lọc, đăng tải thông tin trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành hoạt động điều tra.
Hơn ai hết, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo, đừng để bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dẫn dắt câu chuyện thông tin khi cơ quan tố tụng chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.