Ảnh: Youtube
Ngày 29/4/2021, Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B nặng tới 849 tấn từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương của nước này, với sứ mệnh mang theo mô-đun cốt lõi tên là Thiên Hà lên quỹ đạo Trái Đất nhằm bắt đầu quá trình lắp ráp Trạm vũ trụ Thiên Cung.
Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra sau đó khi tầng lõi của tên lửa nặng tới 20 tấn mất kiểm soát và rơi trở lại mặt đất với một tốc độ cực cao. Theo dự báo của cả cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) lúc đó thì tên lửa này có thể sẽ rơi vào ngày 8 đến 10/5 - và hiện những dự báo mới nhất cho thấy nó sẽ rơi vào hôm nay 9/5.
Tên lửa Trường Chinh 5B. Ảnh mô tả: Thành Luân
Vị trí rơi của nó là nơi đông dân cư hay rơi xuống biển hoặc khu vực không có người sinh sống vẫn là một dấu hỏi lớn, chính vì thế nên sự kiện này thu hút sự quan tâm của hầu hết các cường quốc trên thế giới.
Nhưng nhiều chuyên gia khuyên người dân các nước liên quan là "không nên quá lo lắng".
Cụ thể, chia sẻ quan điểm với kênh CGTN ngày 8/5, theo chuyên gia Zhang Xiaotian công tác tại Trường phi hành gia, Đại học Beihang, nói với CGTN: "Về việc các phần của tên lửa quay trở lại mặt đất, chúng ta cần nó rơi vào một khu vực an toàn chỉ định trước và có rất nhiều biện pháp để đạt được mục đích này như chọn vị trí phóng, điều khiển bộ hãm tốc độ tại các giai đoạn khác nhau".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng luôn nói rằng khả năng gây hại của các mảnh vỡ hay lõi tên lửa khi rơi xuống mặt đất là cực thấp vì tên lửa này được thiết kế với công nghệ đặc biệt.
Báo Ấn Độ Hindustantimes dẫn lời nhà thiên văn học Florent Delefie của Đài thiên văn Paris (Paris-PSL Observatory) cũng cho rằng: "Khả năng các mảnh vở rơi xuống một khu vực có dân cư là rất thấp, xác suất là 1 trong 1 triệu".
Jonathan McDowell - một nhà vật lý thiên văn của Trung tâm Smithsonian về Vật lý Thiên văn, Harvard trả lời phỏng vấn trên trang Space.com thậm chí còn nói rằng xác suất mối nguy hiểm cá nhân bị mảnh vở đánh trúng chỉ là 1 trong nhiều tỷ khả năng.
"Khả năng một người nào đó bị thương có lẽ là 1% và khả năng bạn bị thương còn nhỏ hơn con số đó 8 tỷ lần, vì thế đừng lo lắng về nó".
Mặc dù vậy McDowell cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành động có phần thiếu trách nhiệm của mình: "Thông thường thì sau khi tên lửa hoàn thành nhiệm vụ, động cơ sẽ được kích hoạt lại và thả rơi xuống biển hay nơi không có người sinh sống, do đó thiệt hại rất ít. Tuy nhiên Trung Quốc đã không làm điều đó, họ đưa tên lửa lớn lên quỹ đạo rồi lại thả tự do".
Theverge dẫn lời Dan Oltrogge - người sáng lập ra Space Safety Coalition (Liên minh An toàn Không gian) cũng như là chuyên gia hàng đầu tại Commercial Space Operations Center tỏ ra lạc quan với khả năng lõi tên lửa sẽ rơi xuống biển. Ông nói: "Hầu hết bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước (70%), vì thế gần như sẽ không có nguy hiểm gì, khả năng nó rơi vào khu dân cư không phải bằng 0 nhưng sẽ rất ít thứ để lo lắng nếu nó rơi xuống đại dương".
"Khả năng bất cứ người nào bị mảnh vỡ rơi trúng là rất thấp, cực kỳ thấp", ông nhấn mạnh.
Đã có trường hợp nào bị mảnh vỡ tên lửa đánh trúng gây thương tích đáng kể chưa?
Thực tế trong hơn 6 thập kỷ kể từ ngày con người đưa vệ tinh đầu tiên của mình lên không trung thì chưa có bất cứ trường hợp mảnh vở đánh trúng người gây thương tích đáng kể nào, theo Stijn Lemmens, một chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.
Khả năng rơi xuống khu dân cư của lõi tên lửa Trường Chinh 5B là rất thấp. Ảnh: Bulletin
Cơ quan vũ trụ Trung Quốc, đơn vị chịu tránh nhiệm chính trong vụ việc này, vẫn giữ bí mật về những thông tin liên quan đến tên lửa nên việc lấy thông số để ước tính vị trí rơi cụ thể của lõi tên lửa vẫn là một câu hỏi lớn. Mới đây nhất, họ mới đưa ra thông báo chính thức.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên một vật thể không gian của Trung Quốc bị mất kiểm soát, trước đó vào năm 2018 thì một trạm không gian có tên Thiên Cung 1 nặng 8 tấn cũng bị mất kiểm soát và rơi trở lại mặt đất nhưng không có người nào bị thương.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Space, CGTN, Hindustantimes, Theguardian