Phát hiện xương người tiền sử trong hang núi lửa, rất hiếm gặp ở Đắk Nông

TÙNG LÂM |

Các nhà khoa học vừa phát hiện ít nhất 3 di cốt người tiền sử cùng hàng vạn mẫu vật được xem là di sản độc đáo ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Mới đây, các nhà khoa học và khảo cổ học Việt Nam vừa có phát hiện mới về di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Theo TS. La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đây lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di chỉ khảo cổ tiền sử trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Trong các hang động núi lửa còn có các mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, phác vật, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể nước ngọt với số lượng và mật độ tăng dần.

TS Phúc cũng cho biết, các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật bằng đá, gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng.

Cũng theo TS Phúc, trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử.

Các di vật được xác định thuộc sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là cư dân trung kỳ Đá mới cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm và cuối cùng, con người rời hang vào hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách đây khoảng 3.000 năm.

"Đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên Việt Nam.

Đây còn là di sản hỗn hợp được đánh giá là độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

Kết quả này mở ra một hướng nghiên cứu mới cho ngành khảo cổ và nhân chủng học của Việt Nam" - TS. La Thế Phúc nói.

Phát hiện xương người tiền sử trong hang núi lửa, rất hiếm gặp ở Đắk Nông - Ảnh 1.

Xương người tiền sử được phát hiện trong hang động núi lửa Krông Nô. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

TS. La Thế Phúc cho biết thêm, năm 2007, hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông lần đầu tiên được TS. La Thế Phúc và cộng sự phát hiện trong quá trình thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” do UNESCO tài trợ (2007 - 2008). 

Đây là hệ thống hang động có quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.

Đến năm 2017, dựa trên cơ sở những dấu hiệu rất khả quan về tiềm năng di chỉ khảo cổ của khu vực nghiên cứu, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giao cho TS. La Thế Phúc chủ trì thực hiện đề tài đột xuất cấp cơ sở “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông” (1/2017-12/2017) với sự hợp tác của Th.S. Vũ Tiến Đức (Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, cộng tác viên của Bảo tàng Thiên nhiên VN).

Qua triển khai đề tài đã khảo sát tìm kiếm và phát hiện mới hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử.

Kết quả khai quật khảo cổ sẽ đóng góp nội dung quan trọng và có tính thuyết phục cao cho hồ sơ Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, Đắk Nông dự kiến sẽ trình UNESCO vào tháng 11/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại