Lớp từ trường của hành tinh kéo dài với bán kính hơn một triệu km và đóng vai trò bảo vệ chúng ta khỏi những tia vũ trụ, tia bức xạ Mặt trời chết người.
Các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn và máy dò tia vũ trụ NHO-3 để phân tích một cơn bão Mặt trời xảy ra vào tháng 6/2015. Nó công phá lá chắn từ trường của chúng ta trong suốt 2 giờ liền.
Đám mây plasma khổng lồ do quang hoa của Mặt trời bắn ra đã lao vào từ quyển của Trái đất với tốc độ lên đến 2,5 triệu km/h.
Thiệt hại gây ra bởi vụ tấn công này là rất lớn. Những quốc gia nằm ở vĩ độ cao như Bắc và Nam Mỹ đã bị mất điện và mất tín hiệu liên lạc. Cơn bão siêu lớn này cũng gây ra cực quang tăng áp.
Tuy nhiên, nó còn gây ra thêm những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Một năm sau thời điểm xảy ra cơn siêu bão, các nhà khoa học bắt đầu nhận thấy mật độ các tia bức xạ Mặt trời đến Mặt đất ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu Tata ở Ấn Độ, sau khi thực hiện các hình ảnh mô phỏng dựa trên dữ liệu thu thập bởi vệ tinh NHO-3, họ đã phát hiện ra từ quyển của Trái đất có một vết nứt lớn. Điều này có nghĩa rằng Trái đất đã không còn an toàn như chúng ta từng nghĩ.
Các nhà khoa học kết luận rằng cơn bão địa từ năm 2015 lớn đến mức đã để lại tổn hại lâu dài trên lớp lá chắn từ trường của chúng ta.
"Lỗ hổng này có thể xảy ra khi plasma từ hóa phát ra từ Mặt trời làm biến dạng từ trường của Trái đất. Nó làm thay đổi hình dạng của các dải từ ở địa cực và làm giảm khả năng làm chệch hướng các hạt tích điện", theo lời nhà nghiên cứu Katherine Wright đến từ Hiệp hội Vật lý Mỹ cho biết.
Các từ trường có thể mở rộng vô hạn, tuy nhiên nếu xét các điểm càng ra xa nguồn thì chúng càng yếu dần.
Từ trường Trái đất có tác dụng đến hàng chục ngàn km trong vũ trụ và được gọi là từ quyển. Từ quyển của Trái đất cùng với khí quyển chặn các dòng hạt tích điện, bảo vệ sự sống trên Trái đất.
Năm 1940, một số nhà vật lý đã đưa ra giả thuyết "Đinamô" để giải thích nguồn gốc từ trường Trái đất. Theo thuyết này thì từ trường Trái đất chủ yếu được hình thành từ các dòng đối lưu trong chất lỏng của Trái đất ở độ sâu trên 3000 km.
Sự khác biệt về nhiệt độ trong chất lỏng của Trái đất đã làm xuất hiện các dòng đối lưu.
Nếu trong nhân của Trái đất có một "từ trường nguyên thuỷ" thì các dòng đối lưu trên sẽ có vai trò như một cuộn dây trong máy phát điện. Dòng điện nhờ đó được hình thành và chính nó đã tạo ra từ trường cho Trái đất.