B1257 + 12 là hệ sao với 3 hành tinh, được nghi ngờ có ít nhất 1 cái có khối lượng xấp xỉ Trái Đất . 3 hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ B1257 + 12 là những ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt Trời) đầu tiên nhân loại xác định được - năm 1992.
Khi khoa học ngày một khám phá ra nhiều ngoại hành tinh hơn, sự độc đáo của B1257 + 12 cũng dần được hé lộ. Chỉ riêng cách mà chúng tồn tại đã rất kỳ lạ: B1257 + 12 vốn là một sao xung, tức một dạng sao neutron cực kỳ mạnh mẽ.
Sao neutron là vật thể thuộc "thế giới bên kia": Chúng đã chết. Đó là tàn tích từ một ngôi sao khổng lồ, đã phát nổ và co cụm lại thành một thứ nhỏ bé. Cho đến nay, làm cách nào các hành tinh tồn tại qua vụ nổ, hoặc được sinh ra từ sao neutron sau vụ nổ, vẫn chưa thể giải thích rõ ràng.
Theo SciTech Daily, mức độ quý giá của phát hiện 30 năm trước càng được "nâng cấp" qua nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Trường Đại học Manchester - Anh.
Khảo sát hơn 800 ngôi sao xung, họ nhận ra một thứ như hệ B1257 + 12 là vô cùng quý hiếm. Khả năng một hành tinh khối lượng Trái Đất được sinh ra quanh một ngôi sao xung chỉ chiếm 0,5%, chưa kể 1 trong 3 hành tinh này có thể còn nhỏ hơn, khối lượng chỉ tương đương Mặt Trăng.
Và chúng cũng là báu vật theo nghĩa đen: Chúng đúng là dạng hành tinh đá giống Trái Đất, nhưng vì quay quanh sao xung nên cũng không thể hình thành theo cách thông thường, mà chủ yếu được tạo thành bởi kim cương.
Bộ dữ liệu khổng lồ về hơn 800 sao xung từ Ngân hàng Đài quan sát Jordell mà các nhà khoa học Manchester đã nghiên cứu còng tiết lộ một loạt hệ sao xung kỳ dị khác. Một số sở hữu các hành tinh có khối lượng gấp 100 lần Trái Đất với quỹ đạo từ 20 ngày đến 17 năm. Hầu hết chúng sở hữu quỹ đạo hình elip thuôn dài chứ không gần tròn như các hành tinh của hệ Mặt Trời.
Trong số 800 hệ sao xung này, các nhà khoa học đã lọc ra 10 đối tượng nghiên cứu tiềm năng, hứa hẹn mở ra các "thế giới bên kia" ngoài sức tưởng tượng.
Trong đó, họ "săn sóc kỹ lưỡng" nhất một hệ sao mang tên PSR J2007 + 3120, với khả năng chứa ít nhất 2 hành tinh đá có khối lượng lớn hơn Trái Đất vài lần, chu kỳ quỹ đạo từ 1,9 đến 3,6 năm.