Dù có nhiều tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách về phân biệt giới tính, 91% nam giới và 86% nữ giới vẫn còn ít nhất một định kiến đối với phụ nữ liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế, giáo dục, bạo lực hoặc quyền sinh sản.
Bằng việc phân tích dữ liệu từ 75 quốc gia, chiếm hơn 80% tổng dân số toàn cầu, chỉ số phát hiện gần một nửa số người được nghiên cứu tin rằng đàn ông vượt trội hơn về năng lực lãnh đạo chính trị, hơn 40% tin rằng đàn ông thể hiện tốt hơn khi điều hành doanh nghiệp, và gần 1/3 đàn ông và phụ nữ trên thế giới tin rằng việc một người đàn ông đánh vợ là điều có thể chấp nhận được.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), tổ chức công bố khảo sát trên vào hôm 5.3, hiện đang kêu gọi chính phủ các nước sớm ban hành các luật và chính sách để giải quyết những định kiến thâm căn cố đế trên.
“Chúng ta đều biết mình đang sống trong một xã hội nam quyền, nhưng với phát hiện này, chúng ta mới có thể đặt những con con số đằng sau những định kiến trên,” ông Pedro Conceição, trưởng phòng báo cáo về phát triển con người của UNDP, cho biết, “Và tôi cho rằng những con số này thật sự gây sốc. Chúng biểu hiện một xu hướng đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Dù đã đạt nhiều tiến bộ lớn trong việc tham gia và hưởng quyền lợi ở một số lĩnh vực cơ bản, nhưng ở các lĩnh vực đáng được hưởng nhiều quyền lợi hơn, người phụ nữ dường như vẫn gặp rào cản lớn.”
Theo ông Conceição, các chỉ số cho thấy nhận thức và kỳ vọng trong xã hội về vai trò của người phụ nữ đều mang tính định kiến đối với họ:
“Dù ở một số quốc gia, những định kiến này đang thu hẹp lại, nhưng ở nhiều quốc gia khác, chúng lại đang trỗi dậy. Nếu bạn chia trung bình các số liệu từ khảo sát của chúng tôi, những thiên kiến này đang được nới rộng ra thay vì thu hẹp lại.”
Số liệu của UNDP cho thấy 28% dân số thể giới coi việc chồng đánh vợ là điều... bình thường
Các ghi nhận của UNDP dựa trên hai bộ dữ liệu được thu thập từ gần 100 quốc gia thông qua tổ chức Khảo sát Giá trị Thế giới, xem xét sự thay đổi thái độ ở gần 100 quốc gia và cách chúng tác động đến đời sống chính trị xã hội, trong các giai đoạn từ 2005 đến 2009 và từ 2010 đến 2014.
Trong số 75 quốc gia được nghiên cứu, chỉ có 6 quốc gia phần lớn không có định kiến đối với phụ nữ. Nhưng dù hơn 50% dân số các nước Andorra, Úc, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển đã rũ bỏ các định kiến về giới tính, thì ngay tại những nước trên, số người có định kiến không vì thế mà giảm bớt.
Ví dụ, Thụy Điển là một trong một số quốc gia - bao gồm Nam Phi, Ấn Độ, Rwanda và Brazil - trong đó tỷ lệ người có ít nhất 1 một định kiến với phụ nữ có xu hướng tăng lên trong 9 năm qua, trong khi hơn một nửa số dân ở Anh và Mỹ có ít nhất 1 định kiến với phụ nữ.
“UNDP nhận thức rõ về những trở lực đối với quyền của phụ nữ, vì vậy, chúng tôi cho rằng báo cáo này là lời giải cho việc đẩy lùi những trở lực trên,” bà Raquel Lagunas, quyền giám đốc nhóm nghiên cứu giới tính của UNDP, cho biết, “Chúng tôi không thể chọn lựa xem quyền nào dành cho phụ nữ, quyền nào thì không.”
Số người có định kiến với phụ nữ không có xu hướng suy giảm, kể cả ở những nước đề cao nữ quyền
Theo bà Lagunas, rất khó để dự đoán liệu thái độ này có thay đổi trong thời gian gần đây hay không, nhưng những phát hiện này có thể khiến “con đường phía trước trở nên khó khăn hơn.”
“Chúng tôi có thể thấy sự tiến bộ lớn trong 5 năm tới ở một số quốc gia, nhưng cũng đồng thời nhận thấy sự thụt lùi ở các quốc gia khác,” bà cho biết, “Chúng ta cần phải đầu tư và nỗ lực gấp đôi để giải quyết những bất bình đẳng trong các lĩnh vực then chốt, như chính trị và kinh tế. Và chúng tôi hy vọng số liệu này sẽ gây tác động tới những các quốc gia đang hợp tác với UNDP, giúp chúng tôi đối thoại cởi mở hơn với chính phủ các nước này. Bình đẳng giới là một xu hướng tất yếu.”
Vào tháng 6.2019, một bản chỉ số được công bố bởi tổ chức Equal Measures 2030 cho thấy sẽ không có quốc gia nào đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030, thời điểm hạn chót để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra.