Nhà nghiên cứu Kathleen Rust từ Viện Đa dạng sinh học và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Đại học Kansas (Mỹ) cùng các cộng sự đã phân tích lại hóa thạch của một loài linh trưởng bí ẩn được biết đến từ những năm 1960, mang tên Ekgmowechashala.
"Do hình thái độc đáo của nó và sự đại diện ít ỏi thông qua các tàn tích răng, vị trí của nó trên cây tiến hóa của động vật có vú trở thành một chủ đề gây tranh cãi" - các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí khoa học Jornal of Human Evolution.
"Chân dung" giả tưởng về "người bà con xa" Ekgmowechashala - Ảnh: ĐẠI HỌC KANSAS
Sinh vật này như "từ trên trời rơi xuống", xuất hiện đột ngột trong hồ sơ hóa thạch khu vực Great Palins hơn 4 triệu năm sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của tất cả các loài linh trưởng Bắc Mỹ vào 34 triệu năm trước.
Các nhà khoa học chỉ biết nó thuộc Bộ Linh trưởng, một nhóm động vật rộng lớn bao gồm khỉ, vượn... và cả con người.
Tuy nhiên, việc phải gọi "người bà con xa" này là gì, nó thuộc nhánh nào trong cây gia đình linh trưởng... vẫn là câu đố.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã phân tích hình thái, thử gắn Ekgmowechashala vào dòng họ linh trưởng Palaeohodites ở Trung Quốc.
Palaeohodites vốn được GS Chris Beard của Đại học Kansas (Mỹ) tìm thấy từ hệ tầng Nadu, khu vực Baise (Quảng Tây - Trung Quốc) từ những năm 1990.
Hai mẫu vật có các yếu tố tương đồng nên các nhà khoa học Mỹ nghi ngờ chúng có mối liên hệ gần.
Theo Sci-News, kết quả phân tích mới đã ủng hộ giả thuyết rằng Palaeohodites và Ekgmowechashala là bà con gần gũi. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một ngõ cụt khác, bởi chính Palaeohodites cũng là một thứ đầy bí ẩn.
Dù vậy, nó cũng giúp hiểu rõ hơn về Ekgmowechashala, bác bỏ giả thuyết nó là con cháu của một loài linh trưởng lâu đời hơn, sống sót qua sự kiện tuyệt chủng ở Bắc Mỹ và tiến hóa để thích nghi.
Liên hệ với sinh vật kỳ lạ của Trung Quốc cho thấy rất có thể tổ tiên của Ekgmowechashala đã đi trước con người hàng ngàn năm, đi qua "cây cầu đất" thuộc Beringia và trở thành những loài linh trưởng đầu tiên khai phá châu Mỹ.
Vùng đất Beringia giả thuyết (màu cam) từng nối liền Nga và Mỹ, là con đường mà tổ tiên chúng ta cũng như nhiều loài động vật khác đã đi từ châu Á sang châu Mỹ - Ảnh: BRITANNICA
Beringia là tên mà giới khoa học dùng để chỉ một vùng đất giả thuyết, từng nối liền châu Mỹ và lục địa Á - Âu, tồn tại hàng chục ngàn năm trước, giờ đây đã bị nhấn chìm.
Giả thuyết này cũng giải thích cách Ekgmowechashala đã "từ trên trời rơi xuống", xuất hiện đột ngột trong hồ sơ hóa thạch ở Bắc Mỹ mà không có sự hiện diện của loài tổ tiên bản địa nào.