Khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời không ổn định do quỹ đạo hình elip, nhưng trong nhiều năm các nhà khoa học đã tính ra được khoảng cách trung bình là 150 triệu km, theo NASA. Tuy nhiên con số này đang bị biến đổi, tăng dần theo thời gian.
Tờ Live Science cho biết 2 nguyên nhân hàng đầu mà giới khoa học đưa ra đó là Mặt Trời bị mất khối lượng, hoặc một sức mạnh tương tự liên quan đến thủy triều của Trái Đất.
Trái Đất đang dần bị "trôi" khỏi vòng tay của sao mẹ? - Ảnh minh họa từ iStock
Theo NASA, tuổi thọ ngôi sao mẹ của chúng ta chỉ còn khoảng 5 tỉ năm nữa. Trong suốt thời gian còn lại, mô hình về cách các ngôi sao phát triển cho thấy nó sẽ mất khoảng 0,1% khối lượng trước khi chết.
Nhà thiên văn học Brian DiGiorgio từ Đại học California ở Santa Cruz - Mỹ giải thích rằng con số 0,1% thực ra là rất lớn đối với khối lượng của Mặt Trời. 0,1% này tương đương khối lượng của cả Sao Mộc, tức 318 lần khối lượng Trái Đất.
Cường độ lực hút của một thiên thể sẽ tỉ lệ thuận với khối lượng, do đó rất có thể sức hút từ sao mẹ đã giảm, dẫn đến việc Trái Đất bị trôi ra xa hơn.
Còn theo phó giáo sư vật lý thiên văn Britt Scharringhausen từ Đại học Beloit ở Winconsin - Mỹ, Mặt Trời quay trên trục của nó khoảng 27 ngày/lần, không phải vũ điệu hòa hợp với 1 vòng quay 365 ngày của Trái Đất, điều đó cộng với tương tác hấp dẫn của chính Trái Đất tạo ra một khối phồng thủy triều kỳ cục, có tác động uốn dần quỹ đạo hành tinh ra xa ngôi sao mẹ.
Tuy nhiên tác động này rất ít, chỉ đủ làm Trái Đất di chuyển 0,0003 cm/năm, nên nguyên nhân từ ngôi sao mẹ nhẹ đi vẫn đóng vai trò chính.
Sự trôi của Trái Đất khỏi ngôi sao mẹ được cho là không đủ gây ảnh hưởng lớn về khí hậu. Trong 5 tỉ năm tới, khoảng cách sẽ tăng thêm 0,2%, tương ứng giảm 0,4% năng lượng Mặt Trời chiếu vào Trái Đất. Nhưng con số này là nhỏ so với biến thiên theo mùa tạo ra bởi quỹ đạo hình elip của Trái Đất.
Tận thế thực sự chỉ có thể xảy ra sau 5 tỉ năm nửa, khi Mặt Trời bước vào giai đoạn hấp hối - một sao khổng lồ đỏ ngày càng to dần trước khi sụp đổ. Lúc đó nhiệt lượng dội vào Trái Đất sẽ tăng nhanh khiến các đại dương sôi sục, sự sống có nguy cơ tuyệt chủng