Phát hiện sinh vật có tua kỳ dị dưới đáy biển

Đức Mạnh |

Các nhà khoa học đã công bố phát hiện một loài sứa lược mới tại vùng biển ngoài khơi Puerto Rico.

Sinh vật biển sâu trông giống như một quả bóng bay lơ lửng trong nước. Nó có phần thân ngắn (khoảng 6 cm) nhưng lại sở hữu hai xúc tu rất dài ở phía sau. Khi các sinh vật di chuyển và rung động, các hàng lông mao nhỏ như sợi tóc sẽ khúc xạ ánh sáng thành một lăng kính có màu sắc rực rỡ.

Các nhà nghiên cứu tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) lần đầu tiên phát hiện những đốm màu bí ẩn này vào năm 2015, khi nhìn thấy ba trong số chúng gần đáy biển ở độ sâu khoảng 13.000 feet (4.000 mét).

Hiện tại, trong một bài báo được xuất bản ngày 18/11 trên tạp chí Nghiên cứu sinh vật phù du và sinh vật biển, nhóm đã xác định các đốm màu này là một loài mới của họ ctenophore – động vật ăn thịt không xương sống nhỏ còn được gọi là sứa lược với tên khoa học là Duobrachium sparksae.

Trong khi cơ thể tí hon với lông mao lung linh của chúng là những đặc điểm thường được chia sẻ giữa hơn 100 loài ctenophore được biết đến, các sinh vật ở Puerto Rico vẫn đem đến những hứng khởi chưa từng thấy trong ngành sinh vật biển. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loài dưới nước đầu tiên mà các nhà nghiên cứu NOAA từng mô tả chỉ từ hình ảnh; nhóm chưa thể tiếp cận các mẫu thực cho nghiên cứu mới của họ.

Đồng tác giả nghiên cứu Allen Collins, một nhà khoa học ngư nghiệp của NOAA, cho biết: “Các camera trên robot Deep Discoverer được vận hành từ xa có thể thu được hình ảnh có độ phân giải cao và đo các cấu trúc nhỏ hơn một milimet. Chúng tôi không có kính hiển vi giống như trong phòng thí nghiệm, nhưng video có thể cung cấp cho chúng tôi đủ thông tin để hiểu chi tiết về hình thái của sinh vật”.

Bất chấp tên gọi của chúng, sứa lược không liên quan đến sứa, mặc dù chúng có kết cấu dẻo tương đồng. Duobrachium sparksae cũng không ngoại lệ, với tám hàng lông mao gai quấn quanh một cơ thể trong mờ. Cơ thể của sinh vật kết thúc ở hai điểm gắn với những xúc tu dài và mỏng, tạo cho sinh vật vẻ ngoài giống như một quả bóng bay lơ lửng với hai sợi dây, Collins nói.

Các nhà nghiên cứu viết: Một trong ba mẫu vật mà nhóm nghiên cứu bắt gặp dường như “neo” vào đáy biển bằng các xúc tu của nó.

Sử dụng một cặp tia laser trên robot dưới nước của họ, các nhà nghiên cứu đã đo chiều dài của cơ thể và các xúc tu của mẫu vật đó, phát hiện ra các xúc tu dài gấp 5 lần cơ thể của sinh vật (mỗi xúc tu dài 12 inch tương đương 30 cm).

Khi sinh vật di chuyển, nó “giống như một chiếc khinh khí cầu đang bay”, duy trì một độ cao cụ thể so với đáy đại dương, theo Michael Ford, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh loài sinh vật biển sâu khó phát hiện này, bao gồm vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Nhiều đoạn video hơn về chúng sẽ cung cấp thêm manh mối nhưng để tiến hành phân tích DNA, các nhà nghiên cứu sẽ phải chạm tay tới một mẫu vật thực sự còn nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu cho biết, điều đó có thể nói dễ hơn làm, vì các sinh vật giống như thạch này không tồn tại lâu ngoài biển sâu.

Collins cho biết: “Ngay cả khi chúng tôi có thiết bị, sẽ có rất ít thời gian để xử lý mẫu vật vì động vật dạng thạch khó có thể được bảo quản tốt; ctenophores thậm chí còn tệ hơn sứa về mặt này. Video và ảnh chụp chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc mô tả loài mới này”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại