Trong khi đó, dải Ngân Hà chỉ trải dài 100.000 năm ánh sáng và chỉ chứa khoảng 100 tỉ mặt trời, bao gồm cả Mặt trời của Trái đất. Hệ Mặt trời cách tâm của dải Ngân Hà khoảng 28.000 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học gọi siêu thiên hà mới được phát hiện trên là Laniakea, nghĩa là "Thiên đường vô hạn" trong tiếng Hawai, và dải Ngân Hà của chúng ta nằm khá gần vùng rìa của siêu thiên hà này.
"Chúng tôi đã xác lập được các ranh giới của siêu thiên hà. Điều này cũng tương tự như việc quê nhà của bạn là một phần của một đất nước lớn hơn có chung đường biên giới với các quốc gia khác vậy".
Nhiều năm qua, các nhà thiên văn học đã để ý đến việc các thiên hà kết thành khối với nhau trong khắp vũ trụ, tạo ra một mạng lưới với vô số thiên hà hay siêu thiên hà giống như những giọt sương trên mạng nhện xen lẫn những khoảng không rất lớn. Siêu thiên hà nói trên cũng chỉ là một trong số rất nhiều những "giọt sương" trong vùng vũ trụ trải dài hơn 90 tỉ năm ánh sáng mà chúng ta có thể quan sát được.
Mặc dù trước đây đã có các bản đồ về khu vực lân cận với dải Ngân Hà của chúng ta, nhưng chúng đều rất mơ hồ vì không chỉ ra được các khu vực đó trải dài bao nhiêu và có những thiên hà nào gắn kết với nhau bằng trọng lực.
Lần này, các nhà thiên văn học đã dùng một phương pháp mới để lập bản đồ giới hạn của siêu thiên hà, chỉ ra được vị trí chính xác của 8.000 thiên hà thành viên bằng việc đo tốc độ của chúng trong tương quan với sự mở rộng của vũ trụ.
Các dữ liệu mới này cho thấy hàng nghìn thiên hà đã di trú đến một điểm thu hút lớn là tâm của siêu thiên hà. Sự kiện lạ lùng này đã từng làm phức tạp các nỗ lực lập bản đồ về các thiên hà lân cận với chúng ta.
Nhưng với bản đồ vũ trụ mới lập ra này, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một điều còn lạ lùng hơn, rằng Ngân Hà của chúng ta rất có thể còn là một phần của một cấu trúc tuy chưa được biết đến nhưng chắc chắn là rất vĩ đại của vũ trụ.