Tarantula vốn là một loài nhện to lớn luôn khiến nhiều người phải khiếp sợ khi bắt gặp chúng, lý do vì giống nhện này vừa to lài vừa sở hữu 8 cái chân dài và một thân hình lông lá đầy ghê rợn.
Thế nhưng mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống nhện tarantula thậm chí còn gớm ghiếc hơn khi chúng sở hữu một cái sừng trông vô cùng quái dị. Cụ thể ra làm sao, mời bạn chiêm ngưỡng bức hình dưới đây thì sẽ rõ:
Ngay sau hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, con nhện nhiều chân sở hữu chiếc sừng quái lạ đã khiến internet không khỏi hốt hoảng.
Được biết, loài nhện mới đã lộ diện lần đầu tiên trong một dự án có tên National Geographic Okavango Wilderness Project, có mục đích điều tra, phân loại và bảo vệ đa dạng sinh học của một khu vực tại Châu Phi, tập trung ở vùng Okavango và các quốc gia Angola, Botswana và Namibia.
Nhà côn trùng học John Midgley tại bảo tàng KwaZulu, Nam Phi là người đầu tiên tiếp xúc với con nhện sừng tarantula. Khi đó anh đã ra ngoài thu thập một số mẫu côn trùng ở vùng rừng nhiệt đới Angola và phát hiện ra hang động của sinh vật lạ. Vào ban đêm, Midgley nhanh chóng quay trở lại và đào những cái hang đó, đem được con nhện sừng về nghiên cứu.
Ngoài thân hình đồ sộ thường thấy của nhện khỉ đầu chó, nhà côn trùng học đã tìm ra điểm vô cùng bất thường khiến con nhện trông không khác gì sinh vật ngoài hình tinh. Đó là một cái sừng nhô ra từ phía lưng của nó, có cấu trúc khá mềm, giống hệt với một quả bóng bị xì hơi.
Hình ảnh cận cảnh về cái sừng, hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải vì sao loài nhện này lại có bộ phận thừa thãi kia, mục đích của nó là để làm gì
Ngay sau đó, Midgley liên hệ với các đồng nghiệp của anh và đồng thời cùng tìm thêm nhiều mẫu nhện tương tự. Bất ngờ thay, anh đã phát hiện thêm 2 cá thể có cái sừng như con đầu tiên, cho thấy đây không phải là một dạng đột biến bất thường, mà là minh chứng cho thấy, anh vừa khám phá ra một loài sinh vật mới.
Các nhà khoa học đặt tên cho loài nhện mới với pháp danh "Ceratogyrus attonitifer". Mặc dù chúng khá mới mẻ với họ, thế nhưng thực chất, giống nhện lạ đã trở nên quen thuộc với dân địa phương. Tại Angola, chúng được gọi là "chandachuly" trong tiếng Luchazi, từ đó các nhà khoa học cũng tìm thêm được khá nhiều thông tin về nhện sừng từ người dân.
Một cá thể nhện sừng mới đang ở tư thế phòng thủ khi chúng cảm thấy bị đe dọa
Ví dụ như việc chúng chỉ ăn côn trùng, vết cắn gây đau nhưng không nguy hiểm, cực kỳ hung hãn và có thể nhảy ra tấn công bất cứ vật thể nào đe dọa nơi cư ngụ của chúng.
Hiện giới khoa học chưa biết tại sao Ceratogyrus attonitifer lại có cái sừng mềm mọc ở lưng. Trước kia từng có những giống nhện sở hữu sừng ở lưng nhưng lại sở hữu kết cấu cứng cáp, có cơ bắp, còn ở loài nhện tại Nam Phi hầu hầu như là trường hợp đầu tiên được phát hiện bởi loài người.
Mặt khác, phát hiện lý thú lần này của các nhà khoa học cũng cho thấy, thế giới tự nhiên trên Trái Đất còn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà con người chưa chạm tới. Thế nhưng đối với chúng ta, có lẽ ai cũng sẽ phải tránh xa hàng kilomet khi nhìn thấy một con nhện to chà bá, vừa có sừng lại vừa có lông như thế này.
Có lẽ ai cũng sẽ phải tránh xa hàng kilomet khi nhìn thấy một con nhện to chà bá, vừa có sừng lại vừa có lông như thế này.