Phát hiện phần còn lại của một sông băng cổ đại trên sao Hỏa

Quỳnh Chi (Theo CNN) |

Phần còn lại của một sông băng đã được tìm thấy gần đường xích đạo của sao Hỏa.

Phát hiện phần còn lại của một sông băng cổ đại trên sao Hỏa - Ảnh 1.

Các mỏ muối (màu xanh nhạt) là nơi có khả năng tồn tại sông băng gần xích đạo sao Hỏa. (Ảnh: NASA)

Điều này cho thấy, một số dạng nước vẫn có thể tồn tại ở một khu vực trên hành tinh đỏ , nơi một ngày nào đó con người có thể hạ cánh.

Khối băng không còn ở đó nữa, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu tích đáng chú ý trong số các mỏ khoáng sản khác gần khu vực xích đạo của sao Hỏa . Các trầm tích ở đó thường chứa muối sunfat sáng màu.

Khi các nhà khoa học xem xét kỹ hơn, họ đã nhận thấy các đặc điểm của sông băng , bao gồm các đường vân gọi là băng tích gấp nếp, là các mảnh vụn được lắng đọng hoặc đẩy đi bởi một dòng sông băng đang di chuyển. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các khe nứt, hoặc các khe hở sâu hình nêm hình thành bên trong các sông băng.

Những phát hiện này đã được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học hành tinh và mặt trăng lần thứ 54 ở The Woodlands, bang Texas, Mỹ

Tiến sĩ Pascal Lee, nhà khoa học hành tinh cấp cao của Viện SETI và Viện Sao Hỏa, cho biết: "Những gì chúng tôi tìm thấy không phải là băng mà là một mỏ muối với các đặc điểm hình thái chi tiết của sông băng".

Các nhà nghiên cứu tin rằng sông băng dài 3,7 dặm (6 km) và rộng 2,5 dặm (khoảng 4 km), với độ cao từ 0,8 đến 1,1 dặm (1,3 đến 1,7 km).

Phát hiện phần còn lại của một sông băng cổ đại trên sao Hỏa - Ảnh 2.

Chi tiết về sông băng có thể được nhìn thấy trong hình ảnh có độ phân giải cao. (Ảnh: NASA)

Hoạt động núi lửa tạo lớp bảo vệ. Các nhà khoa học có ý tưởng về việc dấu vết của sông băng hình thành như thế nào dựa trên bằng chứng về vật liệu núi lửa trong khu vực. Khi hỗn hợp tro núi lửa, dung nham và thủy tinh núi lửa (đá bọt) phản ứng với nước, một lớp muối cứng, giòn có thể hình thành.

"Khu vực này của sao Hỏa có lịch sử núi lửa hoạt động. Và khi một số vật liệu núi lửa tiếp xúc với băng sông, các phản ứng hóa học sẽ diễn ra ở ranh giới giữa hai chất này để tạo thành một lớp muối sunfat cứng lại", đồng tác giả nghiên cứu Sourabh Shubham, nghiên cứu sinh tiến sĩ địa chất tại Đại học Maryland, College Park, cho biết trong một tuyên bố. “Đây là lời giải thích khả dĩ nhất cho các sunfat ngậm nước và hydroxyl hóa mà chúng tôi quan sát thấy trong trầm tích có tông màu sáng này”.

Đồng tác giả nghiên cứu John Schutt, nhà địa chất học tại Viện Sao Hỏa và là hướng dẫn viên về băng ở Bắc Cực và Nam Cực, cho biết, vật liệu núi lửa có khả năng bị xói mòn theo thời gian, để lộ ra lớp muối có dấu vết của băng sông và các đặc điểm khác biệt của nó.

Sao Hỏa có bầu khí quyển mỏng, cho phép đá không gian va chạm thường xuyên với bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, các đặc điểm chi tiết của sông băng hầu như không bị xáo trộn trong lớp trầm tích muối, điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng nó tương đối "trẻ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại