Đá lai nhựa được phát hiện trên đảo Trindade (Brazil). Ảnh: Reuters
Nhựa tan chảy do tác động từ nhiệt đã "bện" vào đá trên đảo Trindade, nằm cách bang Espirito Santo (Brazil) 1.140 km. Các nhà khoa học đánh giá đây là bằng chứng cho thấy tác động của con người với vòng tuần hoàn địa chất.
Nhà địa chất học Fernanda Avelar Santos tại Đại học Parana (Brazil) đánh giá: “Điều này vừa mới lạ vừa đáng sợ bởi ô nhiễm đã lan tới cả địa chất”.
Santos cùng các đồng nghiệp đã xét nghiệm hóa học để tìm hiểu loại nhựa đã bám vào đá có tên gọi “plastiglomerate” – hình thành từ các mạnh vụn hữu cơ kết nối bởi nhựa.
Lưới đánh cá nhựa là mảnh vụn phổ biến trên bờ biển đảo Trinidade. Ảnh: Reuters
Cô Santos kết luận: “Chúng tôi nhận thấy ô nhiễm chủ yếu bắt nguồn từ lưới đánh cá nhựa, vốn là mảnh vụn phổ biến trên bờ biển đảo Trinidade. Hải lưu kéo theo những lưới đánh cá này và chúng dồn lại trên biển. Khi nhiệt độ tăng, lưới đánh cá nhựa tan chảy rồi kết hợp với các vật liệu tự nhiên trên bờ biển”.
Đảo Trindade là một trong những địa điểm bảo tồn quan trọng nhất đối với rùa xanh (Chelonia mydas). Mỗi năm có hàng nghìn con rùa xanh đến hòn đảo này để đẻ trứng.
Trên đảo Trindade chỉ có thành viên Hải quân Brazil sinh sống. Họ đóng quân tại căn cứ thuộc đảo và còn tham gia bảo vệ loài rùa.
Cô Santos nhấn mạnh: “Nơi chúng tôi phát hiện ra các mẫu nhựa này là khu bảo tồn lâu dài tại Brazil, gần nơi loài rùa xanh thường đẻ trứng”.