Phát hiện mới: Các dạng sống ngoại lai có thể “nhảy” qua lại giữa các hành tinh liền kề

TẤN MINH |

Đó là khẳng định của các nhà khoa học sau khi chứng minh được vi khuẩn có thể sống đến 3 năm bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Vi khuẩn có thể tồn tại đến 3 năm trong không gian - theo các nhà khoa học nghiên cứu về các quần thể vi khuẩn bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Các nhà nghiên cứu đảm nhận thí nghiệm Tanpopo của Nhật Bản trên ISS nói rằng phát hiện này đồng nghĩa các dạng sống ngoại lai có thể "nhảy" qua lại giữa các hành tinh kế cận nhau.

Các quần thể vi khuẩn với độ dày ít nhất 0,02 inch - mỏng hơn một tờ giấy - có khả năng kháng nhiệt độ siêu lạnh và mức độ phóng xạ cao trong không gian - theo các nhà nghiên cứu. Chỉ những vi khuẩn nằm ở bề mặt của quần thể là không thể sống sót. Chúng hi sinh bản thân và hình thành nên một lớp màng bảo vệ số vi khuẩn còn lại nằm bên dưới.

Như vậy, những quần thể vi khuẩn này có thể di chuyển giữa Trái Đất và Sao Hỏa hay bất kỳ phần nào của vũ trụ bằng cách tập hợp thành những "chùm" hạt phân tử.

Phát hiện này được dựa trên căn cứ là các "tấm phơi nhiễm" của một loại vi khuẩn tên Deinococcucs vốn được đặt bên ngoài ISS trong suốt 3 năm trời. 

Nó trùng khớp với một giả thuyết gọi là "Panspermia" (thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ) - một ý tưởng gây nhiều tranh cãi đề cập đến khả năng xâm nhập giữa các hành tinh, mặt trăng, và hệ mặt trời của các sinh vật sống.

Tiến sĩ Akihiko Yamagishi, nhà điều tra thuộc Tanpopo cho biết nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất là bí ẩn lớn nhất chưa có lời giải của toàn nhân loại.

Phát hiện mới: Các dạng sống ngoại lai có thể “nhảy” qua lại giữa các hành tinh liền kề - Ảnh 1.

Phi hành gia người Nhật - Yugi - đang lắp đặt mô-đun phơi nhiễm exHAM để thí nghiệm vi khuẩn trên ISS,

"Các nhà khoa học có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này" - ông nói. "Một số nghĩ rằng sự sống là rất hiếm có và xảy ra chỉ một lần trong toàn vũ trụ, trong khi số khác nghĩ rằng sự sống có thể diễn ra trên mọi hành tinh phù hợp".

Yamagishi cho biết nếu thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ là chính xác, thì sự sống hẳn phải tồn tại với tần suất cao hơn nhiều so với những gì các nhà thiên văn học vẫn thường nghĩ.

Giáo sư Stephen Hawking chính là một trong những người đề xướng nên thuyết này. "Sự sống có thể phát tán từ hành tinh này sang hành tinh khác hoặc từ hệ sao này sang hệ sao khác, được mang đi trên các thiên thạch" - Hawking từng nói như vậy.

Thậm chí đã có những ý kiến rằng đó chính xác là cách sự sống tồn tại trên Trái Đất, dù rằng những ý kiến đó bị chỉ trích khá rộng rãi.

Mục đích của thí nghiệm Tanpopo - nghĩa là "hoa bồ công anh" trong tiếng Nhật Bản - là nhằm điều tra về khả năng vận chuyển liên hành tinh một cách tự nhiên của các dạng sống vi khuẩn. 

Thí nghiệm đã được tiến hành từ năm 2015 đến 2018 trên bề mặt ngoài của tàu nghiên cứu Kibo, nằm cách Trái Đất 250 dặm. Nó cho thấy các dạng sống vi sinh vật có thể "tái sinh" bằng cách sinh sản trở lại sau khi tìm được điều kiện phù hợp ở một nơi nào đó trong vũ trụ.

Trong nghiên cứu, các mẫu Deinococcus sấy khô với nhiều kích cỡ khác nhau được đặt trong không gian trong 1, 2 hoặc 3 năm. Đến cuối chu kỳ thí nghiệm, những quần thể vi khuẩn dày ít nhất 0,02 inch đã sống sót, nhưng lớp vi khuẩn bên ngoài đã chết đi và tạo ra một lớp bảo vệ để đảm bảo sự sinh tồn cho những vi khuẩn bên dưới.

Sử dụng dữ liệu thu được theo từng giai đoạn phơi nhiễm (1, 2 và 3 năm), các nhà nghiên cứu ước tính một quần thể vi khuẩn dày hơn 0,02 inch sẽ có khả năng tồn tại đến 45 năm trên ISS, còn ngoài không gian, những quần thể dày 0,04 inch sẽ tồn tại được đến 8 năm.

Tiến sỹ Yamagishi thuộc Đại học Tokyo nói thêm rằng: "Kết quả cho thấy vi khuẩn Deinococcus kháng sóng vô tuyến có thể sống sót trong suốt quãng thời gian đi từ Trái Đất lên Sao Hỏa và ngược lại - thông thường kéo dài nhiều tháng, hoặc nhiều năm, nếu theo quỹ đạo ngắn nhất".

Phát hiện mới: Các dạng sống ngoại lai có thể “nhảy” qua lại giữa các hành tinh liền kề - Ảnh 3.

Các "tấm phơi nhiễm" của vi khuẩn Deinocooccus được lắp đặt bên ngoài trạm ISS

Nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng vi khuẩn có thể sống sót trong một quãng thời gian dài nếu được che chắn bởi đá - một hiện tượng gọi là "Lithopanspermia" (thuyết nguồn gốc sự sống xuất phát từ những thiên thạch bay trong vũ trụ). 

Nhưng đây là nghiên cứu lâu dài đầu tiên cho thấy khả năng vi khuẩn sống sót theo từng "chùm" - mở ra một khái niệm mới là "Massapanspermia" (thuyết sự sống di chuyển giữa các hành tinh).

Hai năm về trước, cũng nhóm các nhà nghiên cứu này - bằng cách sử dụng một máy bay và nhiều bong bóng khoa học - đã tìm thấy vi khuẩn Deinococcal trôi lơ lửng phía trên Trái Đất 7,5 dặm. Vi khuẩn này được cho là đã hình thành nên các quần thể dày hơn 0,04 inch (đường kính) và có khả năng kháng các yếu tố độc hại từ môi trường như bức xạ UV.

Nay, Tiến sĩ Yamagishi và các đồng nghiệp đã chứng minh được chúng có thể kháng những yếu tố đó đủ lâu trong không gian để di chuyển được giữa các hành tinh!

Tham khảo: DailyMail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại