Nhà địa chấn học Phạm Thanh Sơn và và Hrvoje Tkalčić từ ANU chia sẻ: “Bằng cách sử dụng mạng lưới máy đo địa chấn toàn cầu, chúng tôi quan sát thấy một loại sóng địa chấn chưa từng được biết đến trước đây, dội lại dọc theo đường kính của Trái đất nhiều lần. Cho đến nay, sóng dội này vẫn chưa được báo cáo trong bất kỳ tài liệu địa chấn học nào”.
Khi một trận động đất lớn làm rung chuyển Trái đất, sự kiện này sẽ tạo ra những làn sóng gợn khắp hành tinh, truyền qua và dội lại các cấu trúc bên trong. Bằng cách đo cường độ sóng dội lại, các nhà khoa học có thể nắm được bản đồ chi tiết về những gì tồn tại bên trong lòng Trái đất. Khi sóng địa chấn chạm vào một ranh giới, sóng giống như tiếng vang, sẽ trở nên yếu hơn một chút. Do đó, các nhà khoa học cần khuếch đại tín hiệu sao cho phù hợp để vừa có thể nghiên cứu, lại không bị sai lệch về thông tin. Sau đó, bằng cách căn cứ vào thời gian di chuyển khác nhau của các cặp sóng, họ tính toán được sự hiện diện của phần lõi trong cùng có bề ngang khoảng 650km, với cấu trúc gồm sắt dày đặc. Phần lõi bên trong này giống như một “viên nang thời gian” ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của Trái đất.