Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research cho biết loài khủng long mới này được đặt tên là Tlatolophus galorum. Tên gọi này là một cách chơi chữ: "tlatolophus" trong tiếng Nahuatl bản địa có nghĩa là "từ", trong khi riêng cụm "lophus" có nghĩa là "mào" trong tiếng Hy Lạp. Hài cốt hóa thạch của nó được khai quật ở bang Coahula, Mexico.
"Chân dung" loài khủng long biết nói được tái hiện - Ảnh: INAH
Tờ Phys.org trích dẫn mô tả của INAH rằng đây là một sinh vật "ôn hòa nhưng biết nói". Chúng sử dụng âm thanh tần số thấp như voi để giao tiếp với nhau. Âm thanh này có thể vang xa tới vài km nhưng con người không có khả năng nhận biết.
Tlatolophus galorum sử dụng tiếng nói với nhiều mục đích: trao đổi với đồng loại, tán tỉnh nhau. Chúng cũng có thể gào to để xua đuổi những kẻ săn mồi nguy hiểm.
Hóa thạch khi vừa được khai quật - Ảnh: INAH
Nhà cổ sinh vật học Angel Alejandro Ramiez, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết họ đang tính toán kích thước của con khủng long. Ước tính sơ bộ nó có thể dài từ 8-12 mét với phần đuôi dài 6 mét. Như vậy, có thể nó to lớn tương đương một con khủng long bạo chúa. Tuy nhiên sinh vật mới này chỉ ăn cỏ.
Theo BBC, con khủng long có niên đại 72 triệu năm tuổi này có màu sắc sặc sỡ. Các nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết nó có bộ da nhiều màu, có chỗ còn có đốm. Cũng có thể toàn thân nó có màu đỏ. Trên đầu con khủng long còn có một chiếc mào to đẹp. Nghiên cứu vẫn đang tiếp tục và hóa thạch của sinh vật này hứa hẹn tiết lộ thêm nhiều điều thú vị. Nhiều sự kiện thuận lợi trong quá khứ cũng như môi trường ở Coahula ngày nay đã giúp bảo quản con khủng long trong điều kiện rất tốt.