Di tích hóa thạch của sinh vật nhỏ bé nhưng đáng sợ này được tìm thấy trong một mỏ đá ở miền nam xứ Wales. Đây là loài khủng long chân thú (theropod) lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay - nhóm khủng long chân thú bao gồm T rex và các loài chim hiện đại - được tìm thấy ở Anh.
Loài khủng long mới phát hiện được nhóm nghiên cứu đặt tên là Pendraig milnerae - Pendraig có nghĩa là “con rồng đứng đầu” trong tiếng Wales và milnerae để tôn vinh Angela Milner quá cố, một thành viên quan trọng của nhóm nghiên cứu tại phòng trưng bày khủng long của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, và là nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Bảo tàng trong hơn 30 năm.
Các mảnh hóa thạch của Pendraig milnerae được tìm thấy trong một mỏ đá ở miền nam xứ Wales vào những năm 1950, nhưng chỉ được lưu trữ trong kho, cho đến khi Milner tìm thấy chúng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng loài khủng long này sống cách đây từ 200 đến 215 triệu năm trong kỷ Trias. Nó có thể có kích thước cơ thể tương tự như của một con gà ngày nay, nhưng với cái đuôi dài tới khoảng một mét.
Stephan Spiekman, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết: “Pendraig milnerae sống gần thời kỳ đầu của quá trình tiến hóa các loài khủng long ăn thịt. Từ xương, chúng tôi có thể thấy rằng nó là một loài ăn thịt. Nhưng ở thời kỳ đầu của quá trình tiến hóa, chúng có kích thước khá nhỏ, trái ngược với những loài khủng long ăn thịt rất nổi tiếng như T rex, loài đã xuất hiện muộn hơn nhiều."
Việc phát hiện ra loài mới này có thể cung cấp bằng chứng về khả năng xảy ra "hiệu ứng đảo" trong khu vực. “Khu vực tìm thấy những mẫu vật này rất có thể là một hòn đảo trong khoảng thời gian Pendraig milnerae sinh sống, các cá thể của một loài sống trên đảo thường có xu hướng trở nên nhỏ hơn so với các cá thể trên đất liền, đây là hiệu ứng đảo," Spiekman nói.
Tuy nhiên, vì mẫu vật Pendraig tìm được chưa trưởng thành hoàn toàn nên không thể đưa ra kết luận về việc này. “Chúng tôi cần thêm bằng chứng từ nhiều loài hơn để điều tra khả năng xảy ra hiệu ứng đảo ở khu vực này trong thời gian đó, nhưng nếu chúng tôi có thể chứng minh, đây sẽ là lần đầu tiên hiện tượng tiến hóa này xuất hiện,” theo Spiekman.
Richard Butler, đồng tác giả bài báo về loài khủng long mới và là giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Birmingham, cho biết: “Những khám phá về khủng long thực sự rất hiếm ở Wales, và đây mới là loài khủng long thứ ba được biết đến từ đất nước này. Thật thú vị khi tìm hiểu thêm về các loài khủng long sống ở Vương quốc Anh trong kỷ Trias, ngay vào buổi bình minh của quá trình tiến hóa khủng long.”
Hóa thạch Pendraig milnerae được tìm thấy vào những năm 1950 bởi các nhà cổ sinh vật học Pamela Robinson và Kenneth Kermack, nhưng sinh vật không được đặt tên.