Hộp sọ của cá sấu 8 triệu năm tuổi từng là một loài săn mồi lớn, sinh sống ở vùng gần Alive Springs, Northern Territory, Australia.
Cá thể cá sấu khổng lồ dài hơn 5,1 mét, chưa có tên và thuộc chi Baru. Phát hiện mới bổ sung thêm vào di sản những sinh vật hoang dã từng lang thang trên khắp lục địa Australia hàng triệu năm trước.
Tiến sĩ Adam Yates, quản lý cao cấp về khoa học Trái Đất tại Bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật Lãnh thổ phía Bắc, cho biết: "Phát hiện mới cho chúng tôi biết thêm về một loài cá sấu từng sinh sống ở miền trung Australia. Khu vực này có những con sông rộng lớn, là môi trường tuyệt vời nuôi sống những con cá sấu có kích thước lớn như vậy".
Theo chuyên gia, con cá sấu không chỉ có kích thước lớn, cân nặng hàng trăm kg mà còn có sức mạnh tàn bạo, hàm răng khoẻ để truy đuổi, săn bắt nhiều con mồi ngoại cỡ. Adam Yates nói: "Nó là thành viên mạnh mẽ nhất của chi Baru. Sở hữu những chiếc răng đặc biệt lớn, số lượng ít, con cá sấu có khả năng tấn công con mồi lớn".
Một trong những sinh vật mà con cá sấu khổng lồ này săn lùng là Dromornis stirtoni, loài chim khổng lồ không biết bay cao khoảng 3 mét và nặng gần 650kg.
Dự kiến, loài cá sấu mới sẽ được đặt tên vào năm sau. Vào tháng 12/2020, Adam Yates và một nhóm các nhà nghiên cứu đã viết bài về một 'vị vua đầm lầy thời tiền sử' khác ở Australia là Pallimnarchus de Vis.
Trước đây, các nhà khoa học từng công bố về một loài cá sấu cổ đại dài đến 4 mét, sống ở Hàn Quốc, khoảng 120 triệu năm trước. Loài cá sấu này đi bằng hai chân giống khủng long Tyrannosaurus rex.
Các chuyên gia từ Hàn Quốc, Australia và Mỹ đã phân tích dấu vết hóa thạch trong tình trạng tốt được tìm thấy tại khu đào Sacheon Jahye-ri. Ban đầu, họ cho rằng đó là hoá thạch của khủng long có thể bay nhưng cũng đi bằng hai chân. Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, họ thấy đó là dấu vết của một sinh vật đi bộ bằng bàn chân tạo ra và đó chính là cá sấu khổng lồ thời cổ đại.