Phát hiện hơi nước bí ẩn trong hệ sao gần Trái Đất

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Kính thiên văn James Webb đã phát hiện ra hơi nước quanh một ngoại hành tinh đá quay quanh ngôi sao nằm cách Trái Đất 26 năm ánh sáng.

Hiện nay, các nhà thiên văn học đang cố gắng xác định liệu hơi nước có phải là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của bầu khí quyển quanh hành tinh đá hay không.

Các sao lùn đỏ lạnh và nhỏ là những ngôi sao phổ biến nhất trong vũ trụ. Các ngoại hành tinh được tìm thấy trong "khu vực có thể sinh sống" - khoảng cách hoàn hảo từ một ngôi sao cho phép hành tinh đủ ấm để duy trì nước ở thể lỏng trên bề mặt, thường quay quanh các sao lùn đỏ rất gần bởi chúng không ấm như Mặt trời.

Phát hiện hơi nước bí ẩn trong hệ sao gần Trái Đất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: NASA

Các nhà thiên văn học đã sử dụng Kính thiên văn James Webb để quan sát một ngoại hành tinh đá được gọi là GJ 486 b. Hành tinh này lớn hơn Trái Đất 30% và có trọng lực trên bề mặt mạnh hơn hành tinh của chúng ta.

Hành tinh này gần ngôi sao chủ của nó đến mức GJ 486 b hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao này chỉ bằng 1,5 ngày Trái Đất và khoảng cách đó khiến cho bề mặt hành tinh có thể nóng tới 430 độ C. Các nhà thiên văn học tin rằng hành tinh này bị khóa thủy triều, tức là một mặt của hành tinh luôn đối mặt với ngôi sao của nó trong khi mặt còn lại vĩnh viễn chìm trong bóng tối - tương tự như cách Mặt trăng quay quanh Trái Đất.

Mặc dù nhiệt độ quá nóng khiến cho hành tinh này khó có khả năng trở thành môi trường có thể sinh sống được, nhưng những quan sát về GJ 486 b đã cho thấy những dấu hiệu của hơi nước. Sự xuất hiện của hơi nước có thể cho thấy GJ 486 b bằng một cách nào đó có bầu khí quyển, bất chấp nhiệt độ cao và khoảng cách gần ngôi sao chủ.

Trong khi hơi nước từng được phát hiện trước đó trên các ngoại hành tinh khí thì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra khí quyền quanh một hành tinh đá. Nếu phát hiện này được tìm ra, đó sẽ là một sự kiện đáng chú ý bởi hành tinh đó sẽ tương tự như các hành tinh đá trong Hệ Mặt trời của chúng ta là Trái Đất và sao Hỏa.

"Hơi nước trong bầu khí quyển trên một hành tinh đá sẽ là một bước đột phá lớn cho khoa học nghiên cứu về ngoại hành tinh", Kevin Stevenson, một trong các tác giả nghiên cứu cho hay.

Đội ngũ các nhà khoa học đã quan sát thấy GJ 486 b đi qua trước ngôi sao của nó 2 lần và sau đó họ sử dụng nhiều phương pháp để phân tích dữ liệu được các công cụ của kính thiên văn ghi lại.

Khi các hành tinh di chuyển trước ngôi sao của nó, còn được gọi là quá cảnh thiên thể, ánh sáng của ngôi sao có thể lọt qua bầu khí quyển của hành tinh và làm nổi bật các dấu vết hóa học của các chất khí và nguyên tố. Những kết quả từ phân tích dữ liệu của James Webb đã cho thấy hơi nước xuất hiện quanh GJ 486 b.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn thận trọng trong cách diễn giải phát hiện này bởi hơi nước có thể có liên hệ với ngôi sao của nó.

"Chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu và gần như chắc chắn là do nước. Nhưng chúng tôi chưa thể khẳng định liệu nước có phải một phần của bầu khí quyển của hành tinh hay không, hay liệu chúng tôi chỉ đang quan sát thấy dấu hiệu của nước đến từ ngôi sao của nó", chủ nhiệm nghiên cứu Sarah Moran, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Arizona ở Tucson nhận định./.

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại