Được biết, quả trứng này dài hơn 28cm, đường kính 18cm và chính là một trong những quả trứng lớn nhất ở Kỳ Trung Sinh (cách đây khoảng 65 triệu đến 250 triệu năm trước). Tuy nhiên, nếu xét về trong tổng chiều dài lịch sử, thì nó vẫn thua trứng của loài chim voi đã tuyệt chủng cách đây hơn 200 năm (dài 32cm, đường kính 22cm).
Theo tờ Nature, kích thước và trọng lượng của quả trứng này vượt trội hơn nhiều so với tất cả trứng khủng long phi gia cầm (nonavian) mà các nhà khoa học đã tìm thấy trước đó. Đồng thời, nó còn khác cả về cấu trúc.
Cụ thể, nếu như trứng chim voi có cấu trúc hình lăng trụ với vỏ rất dày và sở hữu cấu trúc lỗ thông khí phức tạp thì quả trứng hóa thạch mới tìm thấy này có vỏ chỉ mỏng bằng 1/5 so với trứng chim voi. Đồng thời, nó cũng thiếu lớp màng lăng trụ cùng lỗ thông khí giống với trứng của hầu hết loài thằn lằn và trứng ngày nay.
Do đó, các nhà khoa học đã khẳng định quả trứng này thuộc về một loài bò sát to như khủng long cỡ lớn và loại trừ loài khủng long phi gia cầm. “Quả trứng này của một con vật có kích thước ngang với khủng long lớn, nhưng nó hoàn toàn không giống khủng long. Nó giống với trứng của thằn lằn và rắn.” – Nhà địa chất học của Đại học Texas (Mỹ) và là trưởng nhóm nghiên cứu Lucas Legendre tiết lộ với giới truyền thông.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định được đây là trứng của loài nào. Tuy vậy, dựa trên phân tích từ 259 loài bò sát ngày nay và trứng của chúng, họ cho rằng đây có thể là trứng của loài Thương long – Mosasauridae, một loài thằn lằn biển khổng lồ sinh sống ở cuối Kỷ Phấn Trắng.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, với kích thước lớn và vỏ mỏng thì con non có thể nở trong quãng thời gian ngắn sau khi sinh.
Theo Nature