Vào cuối những năm 1980, những người nông dân ở thị trấn Đại Dương Châu, Giang Tây, Trung Quốc đã tìm thấy một số đồ gốm bằng đồng trong quá trình khai thác cát, thật trùng hợp địa điểm phát hiện ra số đồ đồng này lại gần với khu vực di chỉ Ngưu Đầu Thành đang được khai quật nên đã rất nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người dân.
Một đồ đồng được người dân tìm thấy (Nguồn: Baike.baidu)
Chính quyền địa phương đã nhanh chóng thu hồi các đồ đồng do người dân phát hiện, các nhà khảo cổ học cũng nhanh chóng đến hiện trường để tiến hành khảo sát và phát hiện ra một ngôi mộ cổ.
Họ đã dọn thu thập được hơn 1.500 di vật văn hóa khỏi lăng mộ nhà Thương 3.000 năm tuổi này, trong đó 486 đồ đồng và 754 đồ ngọc. Các di tích văn hóa được khai quật vô cùng đa dạng về chủng loại, được chế tác tinh xảo, bao gồm bình tế, nhạc cụ, nông cụ, vũ khí.
Đặc biệt, một món đồ bằng đồng được đặt tên là Hổ đồng hai đuôi thời nhà Thương đã khiến tất cả các học giả kinh ngạc.
Hổ hai đuôi bằng đồng được khai quật (Nguồn: Baike.baidu)
Hổ đồng hai đuôi thời nhà Thương dài 53,5 cm, nặng 6,2 kg. Con vật được khắc họa với phần miệng lớn, oai dũng như đang sẵn sàng tấn công kẻ thù bất cứ lúc nào. Trên lưng hổ còn có một con chim nhỏ đậu lên. Mối quan hệ giữa con hổ oai hình và chú chim nhỏ vẫn còn là một ẩn số, gợi mở trí tưởng tượng của hậu thế.
Trên lưng "hổ 2 đuôi" còn có nhiều hoa văn phức tạp nhưng lại tạo nên một tổng thể hài hòa, đây đều là những hoa văn được sử dụng phổ biến nhất vào thời nhà Thương.
Hoa văn đặc trưng của nhà Thương được chạm khắc trên lưng hổ (Nguồn: Baijiahao.baidu)
Thông qua những đồ tùy táng trong lăng, có thể thấy khả năng cao chủ nhân của ngôi mộ là một quý tộc. Song, thật không may, thi thể bên trong quan tài đã bị phân hủy hoàn toàn nên không thể tìm ra danh tính của chủ nhân ngôi mộ.
Các nhân viên đã tìm thấy 24 chiếc răng, sau khi tiến hành xác nhận đã phát hiện ra 24 chiếc răng này lại không phải của cùng một người, vì thế mà thân phận của chủ nhân ngôi mộ càng trở nên bí ẩn.
Đồ tùy táng trong lăng mộ này phản ánh một số đặc điểm văn hóa của khu vực phía nam thời nhà Thương. Ngoài ra, những đồ tạo tác bằng ngọc bích được khai quật từ lăng mộ cũng cho thấy kỹ năng điêu khắc tuyệt vời của nghệ nhân chạm khắc ngọc bích phương Nam thời bấy giờ.
Một số vũ khí có hình dáng khá đặc biệt (Nguồn: Sohu)
Ngoài ra, 260 món vũ khí đã được khai quật từ lăng mộ, một số được sử dụng trong các nghi lễ cổ. Một số loại vũ khí có hình dạng khá đặc biệt, trong đó có một thanh kiếm ngắn có hình dạng rất giống với các loại kiếm phổ biến ở thời Đông Chu.
Các chuyên gia còn khai quật được những mũi tên, vũ khí hình cung... cung cấp rất nhiều tư liệu quý giá phục vụ cho quá trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học.