Với chiều cao 71 mét và chiếm một vùng diện tích rộng 18 ha, Lạc Sơn Đại Phật được xem là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới và cao nhất thế giới. Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ năm 713 đến năm 803 trong triều đại nhà Đường .
Phía đối diện của bức tượng Lạc Sơn Đại Phật là núi Nga Mi - ngọn núi cao hơn 3.000 mét này thuộc Tứ đại Phật giáo danh sơn, là một trong bốn ngọn núi thiêng của Trung Quốc.
Bên dưới là dòng sông chảy dưới chân của Phật - đây là nơi hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y.
Với địa thế sơn thủy kỳ vĩ như thế, Lạc Sơn Đại Phật vẫn sừng sững qua hàng nghìn năm.
Bí mật nghìn năm trong thân tượng Phật
Nhiều nhà sử học, khảo cổ học rất quan tâm đến bức tượng Phật ở Tứ Xuyên này, do nó có từ lâu đời, mang đậm không khí văn hóa lịch sử, lại được tìm thấy trên núi nên có giá trị khảo cổ học rất lớn.
Do đó, đến tận ngày nay, các nhà khoa học, khảo cổ học vẫn không ngừng khám phá những bí ẩn xoay quanh bức tượng Lạc Sơn Đại Phật.
Trước đây, khi nghiên cứu tượng Phật khổng lồ, các chuyên gia đã phát hiện có một cánh cửa bí mật ở phần ngực tượng Phật. Phát hiện này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều khách du lịch và những tín đồ Phật giáo.
Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới cùng với Núi Nga Mi vào năm 1996.
Trên thực tế, cánh cửa bí mật đã được phát hiện trong quá trình trùng tu bức tượng Phật, chính vì cánh cửa bí mật này mà nhiều nhà khảo cổ học đã đến để điều tra trong một đêm.
Sau khi nghiên cứu và thăm dò cẩn thận, các nhà khảo cổ học nhận thấy một số vật phẩm có giá trị đã bị bọn trộm cướp sạch, chỉ còn lại một đống sắt vụn và bia đá, nhưng dựa vào những mẩu sắt vụn và bia đá này, họ lại biết được một số bí mật chưa kể về Lạc Sơn Đại Phật.
Lạc Sơn Đại Phật nằm ở ngã ba sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Đây là địa điểm thường xảy ra lũ lụt, do đó, các nhà khảo cổ nhận định chức năng chính của cánh cửa bí mật bên trong tượng Phật là chống thấm nước gián tiếp.
Nói cách khác, cánh cửa này chính là một hệ thống thoát nước tinh vi đã được nghệ nhân xưa nghĩ ra và tạc nên. Cánh cửa này chỉ là một trong rất nhiều các điểm thoát nước được tạo ra ở các vị trí khác nhau trên thân tượng.
Mỗi khi mùa mưa và lũ lụt xảy ra, ‘hệ thống thoát nước’ tinh vi này sẽ hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của thủy lưu trong thân tượng, giữ tượng không bị hư hỏng.
Chuyên gia tấm tắc khen người xưa, và nói cánh cửa bí mật ở phần ngực tượng chắc chắn là một “kho báu vô giá” gây chấn động giới khảo cổ.
Ngày nay, hệ thống này vẫn hoạt động.
Trí tuệ của người thời xưa rất được người hiện đại ngưỡng mộ. Việc những công trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga như Vạn Lý Trường Thành, Lạc Sơn Đại Phật được hình thành như thế nào vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ, bởi những công trình này nếu được xây dựng theo công nghệ hiện đại là rất khó.
Tượng Phật có đôi tai dài 7 mét, có khả năng chứa hai người bên trong, mũi dài 5,6 mét, lông mày dài 5,6 mét... Ảnh: Chinadiscovery
Cũng chính vì thế, bức tượng Phật khổng lồ được tạc hồi thế kỷ thứ 8 trên núi Lăng Vân này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới cùng với Núi Nga Mi vào năm 1996. Đến nay, Lạc Sơn Đại Phật vẫn là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất đối với cả khách du lịch và Phật tử khắp nơi trên thế giới.
Tại sao Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng?
Việc xây dựng Lạc Sơn Đại Phật bắt đầu vào năm 713 khi lũ lụt thường xuyên xảy ra ở khu vực Lạc Sơn, nơi giao nhau của sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y.
Trước đó, nhà sư Trung Quốc Haitong quyết định dẫn người đi xây tượng Phật để trấn an dòng nước sóng gió đang cản trở tàu bè xuôi ngược trên sông - sử gia nhận định đây là ‘siêu dự án’ thời cổ đại đòi hỏi số tiền đếm không xuể.
Để có kinh phí xây dựng, nhà sư Haitong đã đi đến nhiều nơi để gây quỹ, và sau nhiều năm ròng rã khắp nơi, cuối cùng ông đã gây đủ quỹ để xây dựng bức tượng khổng lồ. Khi ông trở lại Lạc Sơn, các quan to tham lam của Lạc Sơn muốn buộc Haitong giao nộp ngân quỹ.
Nhà sư Haitong kiên quyết từ chối và tự khoét đôi mắt để thể hiện lòng hiếu đạo và sự chân thành của mình, khiến những kẻ tham lam tiền bạc phải bỏ chạy.
Nhà sư Haitong đã xây dựng Tượng Phật khổng lồ để làm dịu vùng nước sóng gió. Ảnh: Chinadiscovery
Vào năm 713, sư Haitong bắt đầu xây dựng tượng Phật, nhưng ông đã qua đời khi tượng Phật mới được tạc đến vai. Việc xây dựng bị hoãn do không đủ kinh phí. Vài năm sau, nhờ có người tài trợ mà đệ tử của Haitong có cơ hội tiếp tục xây dựng.
Thật không may, khi công trình xây dựng đến đầu gối của Đức Phật, người tài trợ ngừng cấp kinh phí và chuyển về kinh đô Tây An. Dự án lại bị tạm dừng. Khoảng 40 năm sau, một người tên là Wei Gao đã quyên góp tiền lương của mình để tiếp tục dự án. Cuối cùng việc xây dựng đã được hoàn thành bởi các đệ tử của Haitong vào năm 803.
Phải mất 90 năm để hoàn thành bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới này dưới sự làm việc chăm chỉ của ba thế hệ thợ thủ công trong gần một thế kỷ.
Các chuyên gia hiện đại giờ đây có dịp đo đạc tác phẩm kinh ngạc này: Đầu tượng Phật cao 14,7 mét và rộng 10 mét. Tóc của Đức Phật được sắp xếp thành những lọn xoắn ốc đặc biệt với 1.021 vòng xoắn đã được đính trên đầu một cách khéo léo. Tượng Phật có đôi tai dài 7 mét, có khả năng chứa hai người bên trong, mũi dài 5,6 mét, lông mày dài 5,6 mét. Trong khi đó, chiều rộng của miệng và mắt là 3,3 mét. Cổ cao 3 mét, vai rộng 24 mét, ngón tay dài 8,3 mét. Từ đầu gối đến mu bàn chân cao 28 mét.
Cho đến nay, tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn uy nghiêm vẫn đang an nhiên ngồi trên vách đá, bên dưới là dòng sông xanh mướt, trước mắt là ngọn núi thiêng, và không ngừng thu hút khám phá của các nhà khoa học hiện đại…