Một nghiên cứu vừa công bố trên Astronomy Journal đã vén màn bí ẩn xung quanh một hành tinh tuyệt đẹp, cách chúng ta chỉ 30 năm ánh sáng, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong chòm Vela: TOI-1231b.
TOI-1231b có bán kính gấp 3,65 lần Trái Đất và nặng hơn 15,4 lần, một vòng quay quanh sao mẹ chỉ mất 24,3 năm và ở rất gần ngôi sao này, theo Sci-News.
Hành tinh mới với "biển mây" ánh lên màu sắc tím xanh tuyệt đẹp trong ảnh đồ họa - Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Tuy nhiên sao mẹ của nó - TOI-1231 - lại là một ngôi sao lùn đỏ, loại sao nhỏ mát hơn rất nhiều so với Mặt Trời của chúng ta nên vô tình khoảng cách đó lại trở thành một lợi thế cho hành tinh. "Mặc dù TOI-1231b gần ngôi sao của nó hơn 8 lần so với khoảng cách Trái Đất và Mặt Trời, nhưng nhiệt độ của nó là tương tự như Trái Đất" - Tiến sĩ Diana Dragomir từ Khoa Vật lý và thiên văn, Đại học Mexico, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ước tính nhiệt độ ở khu vực nóng nực của hành tinh màu tím xinh đẹp này có thể lên tới 57 độ C, nhưng nhiệt độ này vẫn là quá ôn hòa so với các thế giới ngoài hành tinh khác từng được khám phá. Nhiệt độ này cũng cho phép nó trở thành một trong những ngoại hành tinh nhỏ nhất, mát nhất mà các nhà thiên văn có thể nghiên cứu được khí quyển.
Theo Science Daily, hành tinh này là một dạng hành tinh khí nhỏ, thuộc dạng "tiểu Hải Vương Tinh", tức khá giống Sao Hải Vương của hệ Mặt Trời nhưng nhỏ hơn. Nó có thể mang một bầu khí quyển hydro hoặc hydro helium lớn, hoặc một bầu khí quyền hơi nước dày đặc.
Hành tinh màu tím này được phát hiện bởi "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA, xác nhận thêm bằng một số đài thiên văn mặt đất, tuy nhiên vẫn chưa công cụ hiện đại nào đủ sức nhìn vào thế giới thực bên trong biển mây dày đặc của nó. Các tác giả hy vọng một số công cụ quan sát ngoài hành tinh tối tân hơn sắp được đưa vào sử dụng sẽ đủ sức khai phá thế giới bí ẩn này.