Xác tàu cổ dưới đáy biển
Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 5 năm 2007, Đồn biên phòng Yun'ao thuộc lực lượng Công an thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nhận được báo cáo: Tại vùng biển trên đảo Nan'Ao ở thành phố Sán Đầu, có một con tàu đang trục vớt những "vật thể xanh" kỳ lạ, nghi là đồ sứ cổ dưới đáy biển.
Sau khi nhận được trình báo, 6 cán bộ đã nhận lệnh đến khu vực biển nơi xảy ra sự việc để tìm hiểu tình hình. Tại đây, họ tìm thấy gần 200 mảnh sứ được vớt lên từ dưới nước. Nhận thấy sự việc có tầm quan trọng lớn, các chiến sĩ biên phòng đã khẩn trương báo cáo tình hình lên cơ quan quản lý di tích văn hóa quốc gia. Sau khi điều tra và xác minh, các chuyên gia bước đầu xác định vùng biển nơi xảy ra vụ việc có một con tàu cổ bị chìm từ thời nhà Minh.
Theo Chinanews, việc phát hiện ra con tàu cổ trên vùng biển này không phải là điều quá bất ngờ với người dân ở đây. Bởi trước đó, ngư dân Nan'Ao từng thả lưới và vô tình "vớt" được một số đĩa, bát, nồi và một số vật dụng khác từ đáy biển. Vùng biển này là cửa ngõ vào tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và là đầu mối giao thông đường biển quan trọng trong khu vực và quốc tế. Cũng vì thế nên từ xa xưa, nơi đây đã ghi nhận vô số trường hợp tàu thuyền bị nhấn chìm bởi sóng to bão lớn.
Dẫu vậy, việc phát hiện ra con tàu cổ thời nhà Mình bị chìm ở vùng biển này vẫn là tin tức gây chấn động cộng đồng khảo cổ ở tỉnh Quảng Đông. Họ tin rằng bên trong xác con tàu nằm sâu dưới đáy biển này ẩn chứa nhiều di vật có giá trị, hé mở một giai đoạn phát triển thịnh vượng của nước nhà và đặt tên cho con tàu cổ này là "Nan'ao số 2". Đến năm 2009, con tàu này được đổi tên thành "Nan'ao số 1" để phù hợp hơn với quy ước đặt tên trong ngành khảo cổ học.
Gần 30.000 cổ vật được tìm thấy
Được phát hiện từ năm 2007, thế nhưng đến năm 2010, dự án trục vớt "Nan'ao số 1"mới thực sự được bắt đầu dưới sự hỗ trợ của Trung tâm bảo vệ di sản văn hóa dưới nước Trung Quốc về công nghệ, nhân sự và kinh phí. Nhiều tàu thuyền đã được huy động để tham gia dự án khảo cổ quan trọng này.
Theo Cui Yong, trưởng nhóm khảo cổ "Nan'ao số 1", việc trục vớt di vật văn hóa là phần cuối của dự án. Ở giai đoạn đầu, các chuyên gia đã dùng một khung thép khổng lồ nặng khoảng 300 tấn để bao bọc toàn bộ thân tàu dài 32m, rộng 12m. Đây là một sự đổi mới táo bạo trong khám phá khảo cổ học, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả và sự an toàn nhân sự cho đoàn khảo cổ khi nghiên cứu dưới nước. Sau mỗi giai đoạn trục vớt di vật văn hóa, các chuyên gia rời đi, khung thép này sẽ có tác dụng giống như một tấm lưới chống trộm giúp bảo vệ phần thân tàu và những di vật còn sót lại.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao vào việc trục vớt, công tác an ninh vẫn được duy trì bởi lực lượng biên phòng Yun'ao. Từ việc phát hiện xác con tàu cổ ban đầu, lực lượng này tiếp tục túc trực tại vùng biển này gần 2.000 ngày đêm để canh giữ vào bảo vệ an ninh, giúp đội khảo cổ yên tâm nghiên cứu và trục vớt bảo vật.
Do việc nghiên cứu dưới đáy biển chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi điều kiện tự nhiên nên quá trình trục vớt con tàu này được chia thành nhiều giai đoạn và mỗi đợt sẽ kéo dài khoảng 3 đến 4 tháng.
Theo Chinanews, khi đội chuyên gia tiếp cận xác con tàu, họ phát hiện bên trong chứa rất nhiều đồ sứ được xếp ngay ngắn thành hàng trong từng khoang tàu. Trong số đó, đồ sứ màu xanh trắng chiếm số lượng lớn, chủ yếu là bát đĩa. Chúng có lớp men tương đối dày, hoa văn đa dạng nhưng phần lớn là chi tiết hoa và lá đặc biệt tinh xảo. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tìm thấy nhiều bình gốm tráng men lớn nhỏ, những chiếc nhẫn vàng, những hạt cườm, những chiếc lược, chiếc nồi sắt, đĩa đồng và một số đồ dùng khác.
Cuối cùng, sau thời gian 3 năm với 3 đợt trục vớt dưới nước quy mô lớn, toàn bộ gần 30.000 di vật văn hóa bên trong xác con tàu "Nan'ao số 1" đã được tìm thấy và đưa lên khỏi đáy biển. Sau khi nghiên cứu sâu số báu vật này, các chuyên gia xác nhận những món đồ gốm sứ này hầu hết đến từ lò nung Bình Hòa ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Vào thời Vạn Lịch của nhà Minh (1573-1619), gốm sứ bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng, trở thành mặt hàng được xuất khẩu sang các nước trong khu vực và châu Âu, châu Mỹ. Như vậy, số di vật văn hóa này đã nằm sâu dưới đáy biển hơn 400 năm mới được phát hiện và trục vớt.
Một đặc trưng tiêu biểu nữa của dòng gốm này là phương thức vẽ khoáng đạt, dân dã. Chúng không chỉ thể hiện tay nghề của các nghệ nhân làm gốm ngày xưa mà còn phản ánh nét văn hóa độc đáo của thời đại nhà Minh ở Trung Quốc, có giá trị nghiên cứu rất lớn.
Các chuyên gia cho rằng việc phát hiện và khai quật thành công kho báu này rất quan trọng, song điều đó không có nghĩa là bí ẩn về lịch sử Trung Quốc đã khép lại. Thay vào đó, những bí mật khác, những nét văn hóa đặc sắc khác của quốc gia này vẫn đang chờ mọi người tiếp tục khám phá.