Phát hiện di cốt người khoảng 10.000 năm trước

Tuấn Minh |

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện di cốt người ở 3 mộ trẻ em và người trưởng thành có lịch sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm trong đợt khai quật ở Hang đội 4 trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tam Chúc (Hà Nam).

Sáng 2-11, tại chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã diễn ra Hội thảo khoa học thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58.

Phát hiện di cốt người khoảng 10.000 năm trước - Ảnh 1.

Các nhà khảo cổ học phát hiện di cốt người từ 10.000 năm trước tại Hang đội 4 (vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam). Ảnh: Viện Khảo cổ học

Hội thảo thu hút 1.000 đại biểu gồm các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Pari, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ban Quản lý di tích trọng điểm của 63 tỉnh và TP trực thuộc Trung ương.

Tại hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam đã công bố kết quả khai quật tại Hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc.

Theo đó, trong cuộc khai quật lần thứ nhất Hang đội 4, tại hố khai quật H1 đã phát hiện 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành. Đây là dạng mộ cải táng và mộ song táng được chôn theo tư thế nằm co bó gối, có lịch sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện di tích động vật bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật được phát hiện với số lượng đáng kể qua diễn biến của các lớp đào. Các di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ. Đây được xem là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ.

Phát hiện di cốt người khoảng 10.000 năm trước - Ảnh 2.

Có 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành đã được tìm thấy tại đợt khai quật. Ảnh: Viện Khảo cổ học

Ngoài ra, vào tháng 3, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nam và Công ty THHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc phối hợp khảo sát tại Thung Na (thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao) đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3.

Các dấu tích là những phát hiện về hóa thạch động vật và những hiện vật như nhiều mảnh gốm vặn thừng, màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn…

Kết quả khảo sát cho thấy khu vực này tồn tại nhiều di tích có niên đại cuối thế Pleistonece tới Holocene muộn. Điều đó cho thấy Kim Bảng trong quá khứ là một địa vực khá thuận lợi và được cư dân cổ sử dụng và cư trú qua nhiều thời kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại