Phát hiện dấu tích của dơi khổng lồ hút máu trong hang "quái thú"

Minh Hoa (t/h) |

Bên trong hang của con lười khổng lồ đã tuyệt chủng, các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết của 1 trong những loài dơi ma cà rồng lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất.

Theo Sci-News, các nhà cổ sinh vật học ở Argentina đã tìm thấy hóa thạch loài dơi Desmodus draculae ít nhất 100.000 năm tuổi bên trong hang động của một con lười khổng lồ đã tuyệt chủng. Địa điểm phát hiện là một khu vực gần Đông Nam Buenos Aires ở Argentina.

“Hóa thạch chỉ bao gồm phần hàm và được tìm thấy bên trong hang động có đường kính 1,2 m (3,9 feet) của một con lười thuộc họ Mylodontidae”, Tiến sĩ Daniel Tassara, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên Miramar (Argentina) cho biết.

Phát hiện dấu tích của dơi khổng lồ hút máu trong hang quái thú - Ảnh 1.

Hóa thạch chỉ còn phần hàm của một con dơi Desmodus draculae. Ảnh: Bảo tàng Khoa học tự nhiên Miramar.

Desmodus draculae là một loài dơi mũi lá, thuộc phân họ Desmodontinae (dơi ma cà rồng) đã tuyệt chủng sinh sống ở Trung và Nam Mỹ từ kỷ Pleistocen cho đến đầu kỷ Holocen. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1988, hóa thạch của nó được tìm thấy ở Argentina, Mexico, Ecuador, Brazil, Venezuela, Belize và Bolivia. Đến nay, phân họ Desmodontinae có 3 loài còn sống và 3 loài đã tuyệt chủng.

Cái tên Desmodus draculae bắt nguồn từ "Dracula", nhân vật bá tước ma cà rồng huyền thoại. Với sải cánh dài tới 50cm và khối lượng cơ thể 60g, Desmodus draculae là loài dơi ma cà rồng lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất.

“Kích thước của Desmodus draculae lớn hơn bàn phím máy tính và lớn hơn đáng kể so với các họ hàng còn sống của nó. Nguồn thức ăn của Desmodus draculae và các loài dơi ma cà rồng khác là máu”, Tiến sĩ Santiago Brizuela, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Nacional de Mar del Plata và CONICET, thông tin.

Hóa thạch chỉ bao gồm phần hàm nhưng đủ để vẽ lên "chân dung" của con dơi Desmodus draculae trong quá khứ. Chưa rõ nó đã vào hang để kiếm ăn, trú ẩn hay là bị con vật khác ăn thịt và tha vào hang.

Tuy được gọi là dơi ma cà rồng, nhưng những con dơi hút máu chỉ hút một lượng máu nhỏ, không đủ gây nguy hiểm cho các "nạn nhân" – thường là các sinh vật có kích thước to lớn hơn nhiều.

“Trên thực tế, chúng là loài động vật ôn hòa, chúng hút máu của động vật, đôi khi là con người, trong vài phút mà không gây khó chịu. Điều nguy hiểm là ở chỗ chúng có thể mang mầm bệnh dại cùng một số bệnh nguy hiểm khác. Dơi hiện đại và các con dơi tuyệt chủng này cũng không ngoại lệ”, Tiến sĩ Mariano Magnussen, một nhà cổ sinh vật học khác tại Bảo tàng Miramar, cho hay.

Nghiên cứu đáng chú ý này vừa được công bố trên tạp chí Ameghiniana.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại