Một tổ cá băng ở đáy biển Nam Cực. Ảnh: CNN
Theo CNN, phát hiện hấp dẫn này cho thấy con người còn biết rất ít về đại dương sâu thẳm.
Đàn cá khổng lồ trên có thể thuộc dạng lớn nhất thế giới, là nơi sinh sống của loài cá băng (Neopagetopsis ionah). Loài cá này có hộp sọ có thể nhìn xuyên thấu và máu trong suốt. Cá băng là động vật có xương sống duy nhất không có tế bào hồng cầu.
Để tồn tại ở nơi nhiệt độ thấp như vậy, cá băng đã phát triển một loại protein chống đóng băng trong máu để ngăn các tinh thể băng phát triển.
Đàn cá trên được tàu nghiên cứu địa cực Polarstern của Đức phát hiện vào tháng 2/2021 khi tàu đang khảo sát đáy biển. Tàu dùng hệ thống camera to bằng chiếc ô tô gắn vào đuôi để truyền hình ảnh lên boong tàu.
Cuộc khảo sát tập trung vào các dòng hải lưu và việc phát hiện ra nơi sinh sống của cá băng là điều bất ngờ. Nơi sinh sống của chúng có một vòng tròn đá khác biệt hẳn so với đáy biển đầy bùn.
Ông Autun Purser, nhà nghiên cứu tại Viện Alfred Wegener ở Bremerhaven, Đức, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy hết tổ cá này tới tổ cá khác trong suốt 4 giờ liền. Trong thời gian đó, chúng tôi đã khảo sát được 6 km đáy biển”.
Ông là tác giả chính của nghiên cứu về đàn cá băng nói trên vừa được đăng trên tạp chí Current Biology ngày 13/1.
Ông Purser nói: “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như vậy trong 15 năm làm nhà khoa học đại dương. Sau lần khảo sát đó, chúng tôi đã gửi thư điện tử cho các chuyên gia biết về loài cá này. Họ nói đây là điều khá độc đáo”.
Các nhà nghiên cứu cho biết đàn cá sống trên diện tích hơn 240km2. Trung bình cứ 3m2 thì có một tổ. Họ ước tính rằng đàn này có khoảng 60 triệu tổ.
Mỗi tổ cách đều nhau, sâu khoảng 15cm, đường kính 75cm, chứa trung bình 1.735 quả trứng. Hầu hết tổ được một con cá trưởng thành canh gác. Một số tổ chỉ chứa trứng và một số tổ không còn được sử dụng.
Theo ông Purser, cá băng dường như bị thu hút về phía vùng nước ấm hơn, tức là nơi có nhiệt độ ấm hơn khoảng 2 độ C so với đáy biển lạnh dưới 0 độ C xung quanh.
Các nhà nghiên cứu đã triển khai hai hệ thống camera để theo dõi các tổ cá băng cho đến khi tàu nghiên cứu quay trở lại. Họ hy vọng rằng những bức ảnh sẽ giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin hơn về hệ sinh thái tổ cá.
Một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu là cá trưởng thành canh giữ trứng trong bao lâu. Các chuyên gia cho rằng có thể là vài tháng. Một câu hỏi nữa là cá đực hay cá cái canh trứng.
Theo các nhà nghiên cứu, các phát hiện cho thấy đây là hệ sinh thái độc đáo toàn cầu và cần được coi là khu vực được bảo vệ, tránh bị khai thác.
Ông Purser cho biết có những loài cá nước ngọt làm tổ tương tự nhưng các nhà khoa học chưa bao giờ nhìn thấy đàn cá nào như vậy ở dưới đáy biển sâu. Ông cho biết mới chỉ quay được 1% đáy biển Weddell và có thể còn có rất nhiều điều mà con người chưa biết.