Manh mối về kho báu cổ xưa
Năm 2006, một số dân làng vô tình nhặt được một vài thỏi vàng khi đi dạo bên bờ sông sông Mân ở thị trấn Giang Khẩu, Tứ Xuyên. Tin tức này được lan truyền khắp nơi, thu hút đoàn người đổ về con sông này để truy tìm kho báu suốt nhiều năm sau đó. Quả nhiên, nhiều bảo vật quý giá đã được tìm thấy. Một số người nhặt được những thỏi vàng và bạc kích cỡ lớn, một số khác tìm thấy nhiều trang sức.
Nghi ngờ có di vật văn hóa xuất hiện, các chuyên gia và cảnh sát địa phương khi nhận được tin này cũng đã vội vã có mặt tại bờ sông Mân và nhanh chóng phong tỏa hiện trường. Họ cũng ra thức thuyết phục người dân giao nộp những bảo vật tìm được. Sau khi kiểm kê, giá trị của số di vật văn hóa vàng bạc do dân làng giao nộp đã lên tới 300 triệu NDT(hơn 1.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, mãi đến khi một vài người dân ở thị trấn Giang Khẩu mò được một ấn vàng hình con hổ có khắc chữ “Đại nguyên soái Vĩnh Xương” từ dưới sông Mân - địa điểm gần nơi tìm thấy những thỏi vàng trước đó, các nhà khảo cổ mới nhớ đến kho báu của Trương Hiến Trung được lưu truyền trong dân gian.
Tương truyền, con dấu “Đại nguyên soái Vĩnh Xương” này chính là của Trương Hiến Trung - người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh ở Trung Quốc. Khi tháo chạy khỏi quân triều đình, số vàng bạc mà ông mang theo đã bị chìm xuống khúc sông ở khu vực bến tàu thuộc huyện Bành Sơn, Tứ Xuyên.
Trong một bài đồng dao được lưu truyền ở địa phương này, có 2 câu cho biết rằng nếu người nào tìm được ấn vàng có hình con hổ thì sẽ tìm được vị trí của kho báu nói trên. Cũng từ manh mối này, các nhà khảo cổ học đã xác định kho báu thực sự nằm dưới lòng sông và quyết định phải trục vớt nó càng sớm càng tốt để tránh những rắc rối về sau.
Mất hơn 2 năm để khai quật kho báu
Theo dân gian, kho báu của Trương Hiến Trung tương đương với kho vàng ở Thành Đô. Ngay cả chính quyền nhà Thanh cũng cử người đến vùng Giang Khẩu để cố gắng tìm kiếm kho báu này. Tuy nhiên, vì vùng sông này có nước chảy xiết nên mọi nỗ lực đều không có kết quả. May thay, thời điểm phát hiện kho báu này, các chuyên gia Trung Quốc đã sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến nên việc trục vớt kho báu này không còn là chuyện “không tưởng”.
Theo đó vào tháng 10 năm 2016, hơn 20 máy bơm nước công suất lớn đã được các nhà khảo cổ học điều động làm việc liên tục để hút cạn nước sông Mân. Sau 4 tháng ròng rã, phù sa và sỏi, cát dưới đáy sông đã hiện ra trước mắt mọi người.
Sau đó, các chuyên gia cũng đưa thiết bị radar chuyên nghiệp đến để phục vụ công tác dò tìm. Thiết bị này sẽ phát ra tiếng bíp chói tai mỗi khi tìm thấy kim loại, đảm bảo cho đội khảo cổ sẽ không bỏ sót bất kỳ di vật văn hóa có giá trị nào.
Sau hơn 2 năm nỗ lực khai quật, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tổng cộng hơn 30.000 di vật văn hóa dưới đáy sông Mân, bao gồm nhiều trang sức bằng vàng, một số đã bị nấu chảy thành thỏi vàng và bạc.
Trong số kho báu này, các chuyên gia đặc biệt chú ý tới những đồng xu vàng có khắc chữ "Tây vương thưởng công" trên đó. Theo Minh sử ghi chép lại, “Tây Vương” Trương Hiến Trung đã đặc biệt đúc những đồng xu này để khen thưởng những cận thần có công. Chúng rất hiếm và có giá trị nghiên cứu rất cao.
Điều thú vị là các chuyên gia cũng phát hiện thêm một số lượng lớn tiền xu thời Tây Hán và tiền đồng của Nhật Bản. Những đồng xu này vốn không thuộc về thời nhà Minh và không nằm trong kho báu nói trên. Do đó, các chuyên gia nhận định rằng theo dòng chảy của thời đại, những tàu buôn đi qua con sông này đã vô tình làm rơi chúng xuống đáy sông.
Vào năm 2018, các chuyên gia cũng phát hiện một số loại vũ khí chiến đấu với sức công phá không thể coi thường.
Theo Sohu, cuộc khai quật khảo cổ này bắt đầu vào tháng 10 năm 2016 và phải mất hai năm sau đó mới có được kết quả sơ bộ như vậy.
Số báu vật tìm thấy được định giá tới 3 tỷ NDT (hơn 10.000 tỷ đồng). Hiện những hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Quốc gia. Tuy nhiên, việc phát hiện và khai quật thành công kho báu này không có nghĩa là bí ẩn về lịch sử Trung Quốc đã khép lại. Thay vào đó, những. bí mật khác vẫn đang chờ mọi người tiếp tục khám phá.