Cũng theo mô tả ban đầu của phụ huynh, nhà trường thì học sinh, sinh viên sau khi sử dụng các mẫu chất này có những biểu hiện bất thường như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu và thậm chí có em bị ngất…
Ngay sau đó, lãnh đạo Viện KHHS đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phân tích, giám định.
Kết quả cho thấy, các đối tượng đã hòa tan chất hướng thần vào các chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử mẫu (gồm nguyên chai, lọ đựng; màu sắc, mùi vị dung dịch…); chất hướng thần được các đối tượng phun, tẩm vào sợi thuốc lào (loại thuốc lào có sẵn trên thị trường); các dụng cụ hút thuốc lá điện tử thông thường bị lạm dụng để sử dụng chất hướng thần này.
Với các thủ đoạn trên thì bằng mắt thường không thể phân biệt được, chỉ có người sử dụng hoặc qua phân tích, giám định mới phát hiện được thủ đoạn pha trộn này. Kết quả giám định đã xác định các mẫu trên đều có chứa chất 5F-MDMB-PICA.
Trong đó, 5F-MDMD-PICA là một trong những loại cần sa tổng hợp hay gọi là “Cỏ Mỹ” có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và gây ảo giác mạnh.
“Cỏ Mỹ” được tạo ra bằng cách dùng các chất hóa học tổng hợp được mà các chất này có tính năng tác dụng tương tự như hoạt chất Delta 9 – THC có trong cần sa thực vật.
Sau đó, pha thành dung dịch rồi phun, tẩm vào các loại cây cỏ, các mẫu thảo mộc khô (không phải là cây, thảo mộc chứa chất ma túy). Tiếp đó, sấy khô tạo thành sản phẩm gọi là “Cỏ Mỹ”.
Như vậy, ở đây các đối tượng đã sử dụng loại “vật mang” chứa chất ma túy chính là dung dịch thường được dùng cho thuốc lá điện tử hoặc phun, tẩm vào chính các sợi thuốc lào sẵn có trên thị trường… chứ không phải là cách phun, tẩm truyền thống vào các loại cây cỏ, thảo mộc khô như trước kia.
Theo Viện KHHS, qua trao đổi với Cục CSĐT tội phạm về ma túy thì hiện nay ở nước ta chưa phát hiện phương thức, thủ đoạn như trên.
Hiện tại, 5F-MDMD-PICA chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam, nhưng nó đã được Nhật Bản đưa vào danh mục quản lý về ma túy tháng 12-2014 và Singapore vào tháng 5-2018.
Tại Hoa Kỳ, 5F-MDMD-PICA đã được đưa vào danh mục chất ma túy cần được kiểm soát thường xuyên. Tháng 8-2018, Viện KHHS đã giám định và phát hiện chất này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Đến nay, Viện KHHS và Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền đề nghị Chính phủ bổ sung chất này cùng với một số chất ma túy mới khác vào danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo quy định tại mục 3, Điều 3, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ.
Cũng theo Viện KHHS, đây là những phương thức, thủ đoạn mới, các đối tượng đã lợi dụng việc chất này không có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép… gây khó khăn cho công tác xử lý, đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Nguy hiểm hơn, khi chất 5F-MDMD-PICA và các chất có cấu tạo tương tự xuất hiện ngày càng nhiều, tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, dụng cụ sử dụng đơn giản như thuốc lá, thuốc lào,… đặc biệt với phương thức sử dụng như thuốc lá điện tử dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng và cơ quan chức năng, người dân, phụ huynh rất khó phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh…