Các nhà khoa học cho biết, không giống như các loài động vật khác, cá sấu sở hữu loại máu đặc biệt giúp chúng kháng được nọc độc khi bị rắn cắn. Thậm chí, cá sấu còn có thể ăn thịt rắn độc một cách ngon lành mà không sợ trúng độc.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Herpetology, John Finger – chuyên gia đã có hơn 13 năm nghiên cứu về cá sấu – cho biết, máu cá sấu có chứa huyết thanh đặc biệt, giúp kháng độc khi bị rắn cắn và cá sấu có thể ăn thịt rắn độc mà không gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế, cá sấu và rắn rất ít khi “va chạm”. Rắn độc cũng không phải con mồi yêu thích của cá sấu.
“Máu của cá sấu chứa các thành phần giúp các tế bào chống lại đặc tính phá hủy của nọc rắn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về khả năng này và có thể giúp con người sở hữu các loại thuốc chống nọc rắn trong tương lai, dựa trên máu cá sấu”, chuyên gia John Finger nói.
Theo chuyên gia John Finger, mặc dù máu của cá sấu có thể kháng được nọc rắn nhưng lại không thể giúp cá sấu con khỏi bị rắn ăn thịt.
Trong môi trường tự nhiên, không ít cá sấu con mới sinh đã thành mồi ngon cho rắn độc. Ngay cả cá sấu trưởng thành cũng có thể là “nạn nhân” của những con trăn lớn.
“Nọc rắn có thể làm hỏng mô và phá hủy tế bào máu, nhưng huyết thanh của cá sấu ức chế được quá trình hủy hoại này. Nếu so sánh huyết thanh trong máu của cá sấu và chuột, máu cá sấu có đặc tính kháng độc rắn mạnh gấp hơn 100 lần”, ông Finger nói.
Theo ông Finger, vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về cá sấu – động vật săn mồi máu lạnh – mà con người chưa tìm hiểu hết.
Theo ABC News