Nếu như trong nghệ thuật, tác phẩm "Mona Lisa" được xem như biểu tượng của sự hoàn hảo thì mới đây, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một tuyệt tác trong lĩnh vực khảo cổ học: hóa thạch khủng long Borealopelta markmitchelli.
Nguồn ảnh: Royal Tyrrell Museum.
Hóa thạch trông nguyên vẹn như một mô hình khủng long hiện đại, không ai có thể ngờ rằng nó đã tồn tại suốt 110 triệu năm chôn vùi mà gần như không bị thời gian hủy hoại.
Đây là mẫu hóa thạch được cho là hoàn hảo nhất từ trước tới nay, dường như thời gian đã bỏ quên và khiến nó mang một vẻ đẹp nguyên sơ nhất, thậm chí các nhà nghiên cứu còn có thể thấy được... màu sắc da của nó!
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu Caleb M. Brown ở Bảo tàng cổ sinh vật học hoàng gia thông qua việc sử dụng phương pháp khối phổ để phân tích sắc tố da đã tái hiện chân thực màu sắc da của loài khủng long này.
Khủng long Borealopelta markmitchelli. Ảnh: Sci-News.com.
Với phần bụng màu nhạt, còn lưng màu nâu đỏ, đặc điểm này giống với nhiều động vật phải lẩn trốn kẻ thù bằng ngụy trang màu da như ngày nay như chim cánh cụt hay hươu.
Chiến thuật ngụy trang này được gọi là "phòng vệ bằng màu sắc".
Ông Caleb Brown cho biết việc tìm thấy những mẫu vật hoàn hảo như vậy là vô cùng hiếm, thông thường chỉ có thể tìm thấy mảnh xương nhỏ rời rạc.
"Nó sẽ là một trong những mẫu vật đẹp đẽ và được bảo quản tốt nhất của lịch sử khoa học- một bức Mona Lisa của hóa thạch khủng long". Brown cho hay.
Đồng thời cũng cho thấy bức tranh sống động về cuộc sống mà sinh vật ăn cỏ phải đối mặt, trong thời đại mà một cỗ xe tăng với "thiết giáp" bao bọc cũng phải ngụy trang vì những khủng long ăn thịt còn hung dữ và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Nhà nghiên cứu Jakob Vinther cho hay:
"Màu sắc là dấu hiệu thể hiện giới tính cũng như giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, sự giao tiếp, và ở trường hợp này là giúp chúng trốn tránh kẻ thù".
Mẫu vật hiện đang được nghiên cứu với hy vọng phân tích dạ dày để có thể khai thác thông tin về thức ăn cũng như điều kiện sống lúc bấy giờ.
Khám phá được đăng trên Current Biology.
Borealopelta markmitchelli được đặt tên theo kỹ sư Mark Mitchell của Bảo tàng Hoàng gia Tyrrel (Canada) sau khi dành hơn 7.000 giờ để gọt đẽo tỉ mỉ mẫu hóa thạch từ phiến đá.
Borealopelta markmitchelli có họ hàng gần gũi với loài khủng long Ankylosauridae.
Chúng chỉ khác nhau ở hình dáng đuôi, trong khi Ankylosauridae có đuôi hình búa thì Borealopelta markmitchelli lại gần như nhẵn bóng. Chính vì thế, chúng cần phải ngụy trang bằng màu sắc để lẩn trốn kẻ thù vì thiếu đi vũ khí như người anh em Ankylosauridae
Borealopelta markmitchelli có kích thước của một chiếc xe tăng (dài 5,5 m, nặng khoảng 1,3 tấn) và là loài khủng long ăn cỏ, nhưng được trang bị "thiết giáp" là lớp da dày, nhiều gai nhọn và vảy cứng để có thể tự vệ trước các loài khủng long hung dữ ăn thịt khác.
Bài viết được dịch từ nguồn: Sciencealert