Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng năm 2024, qua đó đã phát hiện sai phạm hơn 130 tỉ đồng và 861 m2 đất.
Theo báo cáo, trong năm, các tổ chức thanh tra trong tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 385 cuộc, trong đó số cuộc theo kế hoạch là 347, số cuộc đột xuất là 38 cuộc, đã ban hành 336 kết luận thanh tra.
Ngành chức năng đã thu hồi về ngân sách nhà nước gần 68 tỉ đồng, xử lý khác về kinh tế là hơn 57 tỉ đồng và 861 m2 đất; xử lý hành chính 173 tổ chức, 287 cá nhân.
Thanh tra chuyên ngành trong năm cũng tiến hành 280 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó ban hành 204 cuộc, còn 76 cuộc đang trong quá trình thanh tra. Từ đó, đã phát hiện sai phạm, tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành là 511 quyết định, số tiền xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền hơn 57 tỉ đồng, không có vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Báo cáo cũng cho thấy nội dung khiếu nại, tố cáo trong năm chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án...
Cụ thể, qua giải quyết khiếu nại, đơn vị chức năng đã giải quyết khiếu nại, trả cho cá nhân hơn 1,3 tỉ đồng và 755 m2 đất. Có 19 cá nhân bị xử lý hành chính (trong đó có 10 cán bộ, công chức, viên chức), thu hồi cho nhà nước hơn 139 triệu đồng.
Ngoài ra, trong kỳ báo cáo kết quả xử lý tài sản tham nhũng thì số tiền và tài sản phải thu hồi với án tham nhũng là hơn 79 tỉ đồng và 16.351 m2…
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng có người có chức vụ, quyền hạn "bảo kê", bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...
Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, theo báo cáo là do hệ thống cơ chế, chính sách về phòng chống tham nhũng còn chưa thật đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế xã hội; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng tới tư tưởng, lối sống của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Tại một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra giám sát trên một số lĩnh vực vẫn còn lõng lẻo, sơ hở, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng.
Một số ít cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi.