Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thống nhất xây dựng đường ống dẫn khí Barcelona-Marseille

Quỳnh Chi |

Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đạt được một thỏa thuận mới về xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dưới nước từ Barcelona đến Marseille.

Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thống nhất xây dựng đường ống dẫn khí Barcelona-Marseille - Ảnh 1.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa. (Ảnh: EFE)

Đường ống dẫn khí này sẽ cho phép Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu, đưa nguồn cung dư thừa của họ sang Pháp và các nước châu Âu khác.

LNG đã trở thành mặt hàng được sử dụng để thay thế khối lượng lớn khí đốt của Nga mà Moscow đã cắt bỏ kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Liên minh châu Âu đang cố gắng đảm bảo càng nhiều LNG càng tốt để có thể vượt qua mùa đông mà không bị mất điện trên diện rộng hoặc phải phân bổ khí đốt.

Thỏa thuận được công bố vào ngày 20/10 bởi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels Bỉ. Tại đây, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là chủ đề hàng đầu.

"Đây là một tin rất tốt cho châu Âu", Thủ tướng Sánchez nói với các phóng viên trước khi bước vào cuộc họp. "Sự kết nối này gắn liền với quá trình chuyển đổi xanh của chúng tôi".

Tổng thống Macron tuyên bố: "Mục tiêu là để Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được kết nối tốt hơn với phần còn lại của lục địa".

Các nhà lãnh đạo xác nhận rằng thỏa thuận này có nghĩa là dự án MidCat, dự án đường ống bị đình trệ từ lâu với mục tiêu kết nối các quốc gia qua dãy núi Pyrenees, chính thức bị hủy bỏ.

Đường ống dài 226 km được cho là kết nối mạng lưới khí đốt của Tây Ban Nha với Pháp bằng cách băng qua dãy núi Pyrenees, từ Hostalric, Catalonia, đến Barbaira, miền Nam nước Pháp. MidCat đã bị đình trệ kể từ năm 2019, khi một báo cáo độc lập đưa ra nghi ngờ về giá cả và lợi nhuận của đường ống. Cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng khủng hoảng năng lượng sau đó đã tạo động lực mới và thúc đẩy những lời kêu gọi từ Madrid và Lisbon để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron vẫn phản đối, cho rằng đường ống này quá tốn kém, không phù hợp với kỳ vọng xanh của EU và không thể vận chuyển điện. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, hai đường ống hiện có đi từ Tây Ban Nha vào Pháp qua xứ Basque chỉ được sử dụng ở mức "50% đến 60%" tổng công suất của chúng.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đang tìm cách thay thế khí đốt của Nga, cũng thúc đẩy việc hoàn thành đường ống. Thỏa thuận hôm 20/10 đã chấm dứt căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng qua.

Thay vì đường ống MidCat dưới lòng đất, các quốc gia sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí dưới nước hoàn toàn mới, được đặt tên là BarMar, kết nối Barcelona với Marseille. Và đường ống BarMar có thể hoạt động vào cuối thập kỷ này.

Đường ống ban đầu sẽ vận chuyển khí đốt, một loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm góp phần gây ra biến đổi khí hậu, nhưng dần dần sẽ được lấp đầy bằng hydro xanh và các "khí tái tạo" khác, mặc dù khả năng thương mại của các sản phẩm này vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đồng thời, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cam kết hoàn thành một đường ống dẫn khí khác, có tên là CelZa, kết nối giữa Celourico da Beira và Zamora.

Ngoài ra, Tây Ban Nha và Pháp sẽ hướng tới việc hoàn thành kết nối điện mới qua vịnh Biscay, đồng thời làm việc để xác định các dự án tương tự.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa sẽ gặp lại nhau vào ngày 9/12 để xác định chi tiết tài chính dự án đường ống BarMar. Chính phủ Tây Ban Nha trước đây đã gợi ý rằng bất kỳ đường ống dẫn khí mới nào kết nối với Pháp sẽ yêu cầu nguồn vốn của EU do quy mô xuyên biên giới của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại