Chương trình năm nay diễn ra 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloy Austin nói rằng nỗ lực của các nước Bộ Tứ có vai trò quan trọng để “đối phó với ảnh hưởng xấu của Trung Quốc ở khu vực”.
Bắc Kinh chỉ trích Bộ Tứ là một “NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, hình thành dựa trên thiên kiến ý thức hệ đối với Trung Quốc. Bốn quốc gia trong cơ chế hợp tác Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, từng có đợt tập trận chung do Ấn Độ dẫn dắt vào tháng 11 năm ngoái, nhưng không có Pháp. Trong thông cáo đưa ra ngày 31/3, Đại sứ quán Pháp ở Ấn Độ nói rằng cuộc tập trận lần này “tạo cơ hội cho 5 hải quân hiện đại và cùng chung chí hướng thúc đẩy gắn kết, mài sắc kỹ năng và thúc đẩy hợp tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do”.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng chiến dịch tập trận mang tên La Perouse lần này sẽ rất ý nghĩa nếu trở thành hoạt động thường kỳ. “Nếu diễn ra định kỳ, nó sẽ trở thành dấu hiệu đáng khích lệ cho các nước không thuộc Bộ Tứ ở khu vực cân nhắc tham gia hoạt động tương tự với Bộ Tứ”, ông Koh nói với báo SCMP.
Nhà nghiên cứu Yogesh Joshi, công tác tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, cho rằng cuộc tận trận sẽ gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng “nếu tất cả các nước lớn khác đang lên án hành vi của Trung Quốc hay tập hợp với nhau để đối phó với sự quyết liệt của Trung Quốc, điều đó có nghĩa là đã có những sai trái trong hành vi của Trung Quốc”.
Cuộc tập trận La Perouse diễn ra sau khi từng quốc gia Bộ Tứ đã có ít nhất một cuộc tập trận song phương với ít nhất một đối tác trong nhóm. Từ ngày 28-29/3, hải quân và không quân Ấn Độ diễn tập cùng các tàu chiến hải quân Mỹ trên Vịnh Bengal.
Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản tiến hành hai cuộc tập trận song phương, gồm một đợt với hải quân Úc trên Biển Đông từ ngày 29-31/3 và một đợt với hải quân Mỹ trên biển Hoa Đông vào ngày 29/3.
Nhiều đối tác tiềm năng
Nhà nghiên cứu Koh cho rằng La Perouse có thể được thiết kế để các quốc gia không thuộc Bộ Tứ tham gia. Ông Koh gợi ý rằng một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông có thể nằm trong danh sách đối tác Bộ Tứ mở rộng tiềm năng. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các nước Đông Nam Á có thể lưỡng lự vì lo ngại Bắc Kinh gây sức ép.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là các hoạt động tham gia song phương không thể diễn ra. Ví dụ, nếu không có hoạt động tập trận Bộ Tứ+ với các nước ASEAN, chúng ta có thể hy vọng từng thành viên Bộ Tứ triển khai những hoạt động song phương với các đối tác ASEAN”, ông Koh nói. Ông Joshi đồng ý rằng các nước ASEAN có thể không muốn thúc đẩy quan hệ an ninh với Bộ Tứ. “Nhưng một số nước Đông Nam Á có thể rời bỏ sự đồng thuận đó để tham gia các chính sách an ninh của Bộ Tứ”, ông nói.
Theo giới quan sát, cuộc tập trận La Perouse còn cho thấy các cường quốc châu Âu đang định hình chiến lược khẳng định hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi họ có các lợi ích kinh tế. Đức và Anh thông báo sẽ đưa tàu chiến đến khu vực trong năm nay, còn Pháp, Đức và Hà Lan đang soạn thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho EU.
“Pháp hiểu thực tế rằng Trung Quốc đang có một số hành động ngoài biển, đặc biệt là ở khu vực các lãnh thổ của Pháp trên Ấn Độ Dương, nên họ muốn làm điều gì đó để răn đe và hợp tác”, Pankaj Jha, cựu phó giám đốc Ban thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ, nói với Nikkei Asia.