Theo Live Science, mảnh hài cốt là xương hông của một trẻ sơ sinh, được phát hiện trong hang Grotte du Renne ở Arcy-sur-Cure, cách thủ đô Paris khoảng 200 km về phía Đông Nam.
Hang động nằm trong một khu vực gọi là Châtelperronian, kéo dài từ miền Tây Bắc Tây Ban Nha đến Lưu vực Paris, là nơi người Neanderthals sinh sống khoảng 44.500 đến 41.000 năm trước.
Mảnh xương hông kỳ lạ mang mã số AR-63 được đem so sánh với xương cùng loại của 2 loài người Homo sapiens và Neanderthals - Ảnh: SCIENTIFIC REPORTS
Người Neanderthals là một loài chị em gần gũi với người hiện đại (người tinh khôn) Homo sapines chúng ta, cùng thuộc chi Homo (Người) và tuyệt chủng khoảng 30.000-40.000 năm trước.
Hang Grotte du Renne cũng nổi tiếng với nhiều hài cốt Neanderthals được tìm thấy. Mảnh xương hông kỳ lạ nói trên tuy có vài đặc điểm giống nhưng không phải Neanderthals, dù nằm giữa một khu vực đầy hài cốt Neanderthals bao bọc.
Mảnh xương giống xương của loài người hiện đại chúng ta hơn, dù không hẳn là người hiện đại.
Một bản phân tích cho thấy xương đứa trẻ AR-63 nằm "lửng lơ" giữa thế giới loài người hiện đại và một loài tuyệt chủng - Ảnh: SCIENTIFIC REPORTS
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ nhân học Bruno Maureille từ Đại học Bordeaux và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) kết luận: "Chúng tôi đã tìm thấy một dòng dõi con người hiện đại về mặt giải phẫu".
Bài công bố trên tạp chí Scientific Reports cho rằng khả năng lớn nhất là đứa trẻ nói trên thuộc về một dòng dõi sơ khai của Homo sapiens, với một số đặc điểm chưa hoàn toàn "hiện đại".
Ngoài ra, việc đứa trẻ hiện diện giữa cộng đồng người Neanderthals có thể là do tổ tiên của chúng ta đã từng chung sống với người Neanderthals tại địa điểm nay, thậm chí chia sẻ một nền văn hóa.
Rất có thể vài thứ "không hiện đại" ở đứa trẻ sơ sinh này là do nó là một đứa "con lai" giữa hai loài, với Homo sapiens chiếm phần nhiều hơn.
Hôn nhân dị chủng giữa các loài người từng phổ biến trong quá khứ. Người dân một số vùng ở Bắc Âu có thể mang tới 2% DNA của người Neanderthals và hộp sọ giống Neanderthals, trong khi nhiều người châu Á vẫn bảo tồn vài đặc điểm của loài Denisovans.
Phát hiện này cũng hứa hẹn mở ra thêm nhiều khám phá lớn hơn. Chẳng hạn về cách mà Homo sapines đã tồn tại trong khu vực tưởng chừng là lãnh địa của người Neanderthals; cách hai loài đã chung sống, chia sẻ văn hóa, kỹ thuật, cũng như lý do bí ẩn khiến người Neanderthals tuyệt chủng.
Hài cốt đứa bé ở Châtelperronian là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Một nhà khảo cổ danh tiếng ở Đại học Tolouse (Pháp) là TS Ludovic Silmak lập luận đó thực chất là Homo sapiens, là bằng chứng về cách tổ tiên chúng ta xâm nhập thế giới của người Neanderthals.